Kinhtedothi- Chiều 29/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Tạo thuận lợi cho việc phân cấp, phân quyền
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu gồm 6 Điều; sửa đổi, bổ sung 119 điều, khoản và 3 Phụ lục của 4 Luật; lược bỏ cơ bản các nội dung quy định cụ thể, chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, tạo thuận lợi cho việc phân cấp, phân quyền, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Luật quy định chi phí lập, công bố, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và nguồn vốn hợp pháp khác; đối với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai…
Luật quy định, gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án có giá gói thầu không quá 300 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; gói thầu lập nhiệm vụ quy hoạch có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng.
Liên quan sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật quy định trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên đề xuất dự án có đề nghị Nhà nước cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại một địa điểm, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nộp hồ sơ hợp lệ đầu tiên và thông báo bằng văn bản cho các nhà đầu tư còn lại.
Trường hợp nhà đầu tư nộp hồ sơ đầu tiên bị từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo nguyên tắc xem xét lần lượt hồ sơ của từng nhà đầu tư tiếp theo. Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư trước khi đăng ký đầu tư.
Nâng hạn mức chỉ định thầu
Trước đó, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội phản ánh khó khăn trong việc triển khai quy định đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với các loại quy hoạch tại các luật hiện hành, do thiếu hướng dẫn cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội đã sửa đổi, làm rõ về việc đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đô thị, nhưng chưa giải quyết triệt để vướng mắc đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng cho phép đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch có liên quan, tránh cách hiểu phải đánh giá sự phù hợp của dự án với toàn bộ các loại quy hoạch. Để quy định này khả thi, tránh phát sinh khó khăn trong thực tiễn, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về nội dung này, bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong thực thi pháp luật.
Về lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, bảo đảm linh hoạt trong điều hành, Dự thảo Luật chỉnh lý Điều 29 theo hướng quy định nguyên tắc áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Cùng đó, để đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án đặc thù, không thể thực hiện qua đấu thầu thông thường, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 34a quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này nhằm bảo đảm linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định cho phép dự án độc lập hoặc dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư tách riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư sử dụng vốn đầu tư công, áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tối đa 70% tổng mức đầu tư nếu đáp ứng điều kiện về địa bàn hoặc chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, Dự thảo Luật đã chỉnh lý nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 triệu lên 300 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án, đồng thời không phân biệt hạn mức chỉ định thầu giữa các gói thầu sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và vốn đầu tư công; bổ sung trường hợp chỉ định thầu đối với gói thầu khai quật khảo cổ, phục hồi di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới; sửa đổi quy định bảo đảm cạnh tranh giữa nhà thầu tham dự thầu và nhà thầu tư vấn trong cùng gói thầu đối với các gói thầu thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước, công ty mẹ, công ty con…
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/thong-qua-1-luat-sua-4-luat-go-vuong-chi-phi-boi-thuong-gpmb-du-an.html