Bài 2: Tinh giản biên chế – đừng làm phép trừ đơn giản
>>Bài 1: Tinh gọn bộ máy – không chỉ là phép tính cơ học
Cùng với việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế cũng là một mục tiêu quan trọng mà Đảng và Nhà nước đặt ra hướng đến nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. Năm 2021, lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đề ra, cho thấy sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, cũng như tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề liên quan đến con người nên hết sức nhạy cảm, đòi hỏi những cách làm linh hoạt, cẩn trọng và hiệu quả chứ không chỉ là một phép trừ đơn giản.
Giảm biên chế vượt chỉ tiêu
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết 39 năm 2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các đề án, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; các địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và tố chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng (khóa XII). Kết quả đến năm 2021, toàn tỉnh đã giảm 1.968 biên chế, chiếm 10,69% so với tổng biên chế được giao năm 2015, vượt chỉ tiêu Nghị quyết giao (chỉ tiêu giảm 10%). Trong đó, Khối các cơ quan Đảng, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội giảm 73 biên chế14, đạt tỷ lệ 8,10%; Khối cơ quan chính quyền giảm 1.895 biên chế, đạt tỷ lệ 10,82%.
Đối với một tỉnh như Bạc Liêu thì đây là những con số ấn tượng, bởi so với một số tỉnh thành khác thì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh không nhiều; quy mô bộ máy các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng khá nhỏ trong khi chỉ tiêu được giao lại tương đương với các địa phương khác. Giảm biên chế cũng có nghĩa là giảm người làm việc trong bộ máy hành chính, sự nghiệp, công việc nhiều hơn trong khi quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn chậm, khá nhiều công việc còn thực hiện theo phương pháp truyền thống. Vì vậy, một trong những khó khăn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 18 năm 2017 của BCH Trung ương (khóa XII) được BTV Tỉnh ủy nhận định là việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn liền với bố trí, sắp xếp con người, quá trình thực hiện có nhiều việc mới, chưa có trong tiền lệ, phải vừa làm, vừa điều chỉnh, hoàn thiện.
Một bài toán khó
Cán bộ Phòng một cửa thuộc UBND Phường 3, TP. Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ
Khi một nhân viên kỹ thuật có tay nghề lâu năm ở một đơn vị sự nghiệp nhà nước trong tỉnh nộp đơn xin nghỉ việc, lãnh đạo đơn vị đã cố gắng làm công tác tư tưởng để giữ lại. Tuy nhiên, với lý do thu nhập không đảm bảo cho cuộc sống gia đình, viên chức này vẫn kiên trì với quyết định của mình. “Đó là chuyện cá nhân của họ, mình buộc phải thông cảm. Trên thực tế, thu nhập bình quân của cán bộ, viên chức, người lao động ở đơn vị khá thấp nên muốn giữ chân người lao động không phải điều dễ dàng”, lãnh đạo đơn vị chia sẻ. Không chỉ ở các đơn vị sự nghiệp, ngay tại TP. Bạc Liêu, một số cán bộ lãnh đạo phòng, ban, xã, phường đã nộp đơn hoặc có mong muốn xin nghỉ việc để ra ngoài làm kinh tế tư nhân cũng chỉ vì vấn đề thu nhập không đảm bảo. Đây thực sự là một bài toán khó trong việc vừa phải tinh giản biên chế nhưng đồng thời phải giữ được nhân sự có chất lượng!
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tinh giản biên chế được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác. Việc tinh giản biên chế hiện nay chủ yếu được thực hiện theo hình thức giao chỉ tiêu, qua đó giúp các cơ quan, đơn vị quyết tâm thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động với bộ máy tinh gọn nhất. Tuy nhiên, con số tinh giản được chia đều cho các cơ quan, đơn vị chưa thật sự hợp lý bởi với chức năng, vai trò, yêu cầu nhiệm vụ khác nhau, các cơ quan cũng có những đòi hỏi về nhân sự khác nhau. Ở một số đơn vị, việc cắt giảm nhân sự, đưa ra khỏi biên chế đã gây khó cho hoạt động của bộ máy bởi việc tự chủ tài chính còn nhiều khó khăn, chưa đủ sức để “nuôi” thêm người ngoài ngân sách dù nhu cầu nhân sự vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, ngoài những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc thì lại còn tồn tại thực trạng người có năng lực làm việc nhưng lại xin ra khỏi khu vực công để làm kinh tế tư nhân. Nguyên nhân chính là vì thu nhập, bên cạnh một số nguyên nhân như môi trường làm việc không giúp phát huy được năng lực, nhiều áp lực trong khi tiền lương không tương xứng… Vì vậy, song song với tinh giản biên chế thì cũng cần có cơ chế, chính sách giữ chân và tuyển dụng người có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bởi nếu chúng ta chỉ chăm chú vào tinh giản biên chế, đến khi cần đội ngũ thay thế thì khu vực công đã mất đi sức hút so với khu vực tư, đồng thời tạo ra khoảng trống trong khoảng cách giữa các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức.
Nguồn nhân lực luôn được coi là yếu tố cốt lõi của sự thành công của bất kỳ tổ chức nào, dù là khu vực công hay tư nhân, vì vậy tinh giản biên chế phải thật sự được tính toán thật kỹ với nhiều giải pháp đồng bộ. Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, tinh giản biên chế phải gắn với việc giảm đầu mối. Nếu không cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức gắn với cải cách hành chính sẽ không tinh giản được biên chế. Bên cạnh đó, thiết nghĩ cũng cần đề cao vai trò người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập. Người đứng đầu phải được chủ động trong việc dùng người cho hiệu quả cũng như cần được giao quyền nhiều hơn trong việc tuyển dụng, đồng thời cũng chịu trách nhiệm nhiều hơn nếu cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ. Có như vậy mới thực hiện có hiệu quả chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để góp phần xây dựng đất nước phát triển ổn định và bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Giai đoạn 2021 – 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 – 2021 thì phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022 – 2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016 – 2021. Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2021 thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022 – 2026.
(Trích Kết luận 40 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026)
Thanh Lâm