Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hôm 26/4 đã giữ nguyên lãi suất sau cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng không nên cắt giảm chi phí vay quá sớm.
Trong cuộc họp thứ 3 liên tiếp, các nhà hoạch định chính sách ở Nga đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 16%, phù hợp với dự báo nhất trí của các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát.
CBR duy trì lãi suất ở mức cao để chống lại áp lực lạm phát gia tăng và chống đỡ đồng Rúp Nga khỏi bị chao đảo trước các đòn trừng phạt của Mỹ và EU. Lạm phát ở Nga hiện đang ở mức 7,8% hàng năm, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu chính thức 4% của CBR.
Trong một tuyên bố kèm theo quyết định giữ nguyên lãi suất hôm 26/4, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết “các điều kiện tiền tệ thắt chặt sẽ được duy trì trong nền kinh tế trong thời gian dài hơn dự báo trước đó”.
Các nhà hoạch định chính sách ở Moscow cũng đã cập nhật các dự báo chính của họ và hiện dự đoán một lộ trình lãi suất cao hơn cũng như lạm phát nhanh hơn cho nền kinh tế Nga trong năm nay. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của gã khổng lồ Á-Âu hiện được dự đoán sẽ tăng 2,5-3,5%, gần gấp đôi so với ước tính trước đây.
Phát biểu sau khi công bố quyết định chính sách, Thống đốc CBR Elvira Nabiullina cho biết, nếu quá trình hạ nhiệt lạm phát bị đình trệ, Ngân hàng Trung ương Nga không loại trừ khả năng tăng lãi suất hoặc giữ nguyên chi phí đi vay trong suốt thời gian còn lại của năm. Nhưng kịch bản cơ sở là cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm, bà Nabiullina nói với các phóng viên.
“Chính xác khi nào điều đó (cắt giảm lãi suất) sẽ xảy ra phụ thuộc vào tốc độ lạm phát hạ nhiệt”, vị nữ Thống đốc được mệnh danh “cánh tay phải” của Tổng thống Putin cho biết.
Quyết định của CBR được đưa ra một ngày sau khi có những lời phàn nàn về lãi suất cao tại cuộc họp của ông Putin với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nga.
Phát biểu tại diễn đàn kinh doanh hôm 25/4, ông Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải “cẩn thận” về thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất.
“Mối đe dọa lạm phát, như các nhà lãnh đạo Ngân hàng Trung ương nói, vẫn còn đeo bám chúng ta”, người đứng đầu Điện Kremlin nói, đồng thời ca ngợi những nỗ lực “rất cẩn thận” của CBR để đối phó với mối đe dọa này.
Nền kinh tế Nga đã không sụp đổ như phương Tây dự báo theo sau “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà ông Putin phát động ở Ukraine.
Đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga năm 2024 lên 3,2%. Chi tiêu quốc phòng tăng vọt và chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang các nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã bảo vệ nền kinh tế nhưng lại đẩy giá cả trong nước tăng cao.
Ông Putin chỉ ra ví dụ về Thổ Nhĩ Kỳ – nơi lãi suất đã được tăng lên 50% để chống lại cuộc khủng hoảng lạm phát đang làm tê liệt nền kinh tế ở đó – như một câu chuyện cảnh báo.
“Nếu chúng ta đi theo hướng khác, chúng ta có thể gặp phải tình trạng tương tự ở một số nước láng giềng, nơi lạm phát ở mức 2 con số. Tình hình đã vượt qua một ngưỡng nào đó và giờ không thể giải quyết được”, Tổng thống Nga nói.
Thống đốc Nabiullina, một đồng minh kinh tế quan trọng của ông Putin, được ghi nhận là người đã giữ cho nền kinh tế Nga đi đúng hướng thông qua các đợt tăng lãi suất khẩn cấp và kiểm soát vốn bất chấp sự tấn công dữ dội của các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Minh Đức (Theo RTE, Bloomberg)