Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, ngoài những kết quả trong từng ngành, lĩnh vực đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vẫn còn chậm so với yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội. Một số nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp.
Với lĩnh vực tài chính, quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia 2021-2030 chưa được ban hành. Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm và tiền thu từ quá trình này rất thấp. Trong khi đó, số vay để đảo nợ có xu hướng ngày càng cao. Việc rà soát, chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa kịp thời, chưa nghiêm.
Cũng theo ông Cường, trong lĩnh vực ngân hàng, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu còn chậm. Tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng, tới cuối tháng 9 là gần 3,4%, vượt mục tiêu 3% đưa ra từ đầu nhiệm kỳ.
Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.
Với lĩnh vực Công Thương, các quy hoạch về năng lượng, điện và chiến lược xuất nhập khẩu đến 2030 đều ban hành chậm so với yêu cầu của Nghị quyết 134/2020 của Quốc hội.
Cùng đó, cơ chế giá bán lẻ điện chưa đồng bộ với thị trường điện; cung – cầu điện vẫn còn bất cập. Nhiều dự án thủy điện chưa chấp hành các quy định về xây dựng, quy hoạch, môi trường. Bộ này cũng chưa ban hành bộ tiêu chí để xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam). Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu còn diễn biến phức tạp.
Nông nghiệp được coi là trụ đỡ nền kinh tế, nhưng lĩnh vực này cũng chưa có ban hành quy hoạch ngành tới 2030, tầm nhìn 2050. Số hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số còn thấp. Việc sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 134/2020.