Sáng nay 15/2, ngày đầu tiên đi làm sau nghỉ tết Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chủ trì buổi gặp mặt Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của Bộ nhân dịp đầu năm mới.
Trong niềm vui Xuân mới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể người lao động ngành LĐ-TB&XH cùng gia đình lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Nhiều tin vui
Bộ trưởng kỳ vọng trong năm 2024, Bộ sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt hơn, bứt phá hơn, giữ vững phương châm đã làm nên hình ảnh của Bộ LĐ-TB&XH trong nhiều năm qua: “Đoàn kết, đổi mới, kỷ cương, phát triển”.
Với khí thế của ngày đầu xuân, Bộ trưởng ghi nhận sự đóng góp của từng cá nhân, đơn vị đối với thành tích của toàn ngành trong năm qua: “Kết quả đạt được trong năm 2023 là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực rất cao của tất cả các cán bộ, công nhân viên chức trong ngành”.
Bộ trưởng nhấn mạnh đến hai tin vui. Trước hết, là sau rất nhiều năm, Bộ có một trụ sở mới dành cho các đơn vị quản lý nhà nước tại 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thứ hai, Bộ LĐ-TB&XH là Bộ đầu tiên tinh gọn tổ chức bộ máy truyền thông, sáp nhập 3 cơ quan truyền thông vào làm một (báo điện tử Dân trí, báo Lao động và Xã hội, tạp chí Vì Trẻ em ) với một lộ trình khoa học, nhân văn.
Chia sẻ, năm 2023 là năm rất nhiều khó khăn, theo người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH, đặc biệt là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các đơn vị tự chủ về tài chính, nhưng đều đã bứt phá để đạt được kết quả tốt.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ, không gì vui hơn khi công ăn việc làm của người lao động được đảm bảo, mức lương bình quân của năm 2023 tăng lên so với năm 2022, tiền thưởng Tết âm lịch về cơ bản giữ được như năm 2022.
“Và một điều đáng mừng nữa là năm ngoái, tình trạng các doanh nghiệp nợ lương của người lao động còn nhiều nhưng năm nay đã giải quyết cơ bản trước Tết. Các cơ sở bảo trợ chăm sóc trẻ khuyết tật, mồ côi, người neo đơn được chăm lo chu đáo”, ông Dung nhấn mạnh, cũng trong năm 2023, các chính sách đối với người có công cũng được triển khai đầy đủ, kịp thời.
Vẫn theo Bộ trưởng, thị trường lao động năm qua vẫn duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức cho phép.
“Đặc biệt, đây cũng là năm thành công khi đạt kỷ lục đưa trên 155.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, cao nhất từ trước đến nay và chiều hướng có thể mở ra một số thị trường mới, tiềm năng”, ông nói.
Phát động phong trào thi đua ngay từ đầu năm
Trong niềm vui Xuân mới, Bộ trưởng lưu ý, với tinh thần chung của Chính phủ là hành động, quyết liệt ngay đầu năm, Bộ LĐ-TB&XH nhanh chóng bắt tay vào làm việc tích cực, hiệu quả ngay từ đầu Xuân.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị Ban Cán sự, Thường vụ Đảng uỷ, Công đoàn Bộ phát động một phong trào thi đua ngay từ đầu năm. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, toàn bộ hệ thống ngành LĐ-TB&XH tập trung cao nhất cho việc triển khai Nghị quyết 42 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội.
Thứ hai, tập trung cao độ nhất cho thể chế, kiên quyết không để tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản. Trong đó, tập trung cao độ cho việc xây dựng và hoàn thiện thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến khu công nghiệp, chế xuất, lao động dịch vụ, những lĩnh vực ngành nghề mới.
Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng định hướng một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành trong năm 2024 là đảm bảo việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi được thông qua phải thông thoáng, có hiệu quả cao nhất và chuẩn bị tối đa các điều kiện hướng tới thực hiện tốt sửa đổi Luật Việc làm.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa được lãnh đạo Bộ nhắc đến, đó là chăm lo tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, trẻ em.
“Thực hiện chính sách cải cách tiền lương đi đôi với điều chỉnh tiền lương đối với người hưu trí, theo tinh thần không để những người hưu trí khó khăn hơn khi cải cách tiền lương. Do đó, cần tính toán cân đối, hài hòa. Ngành cần phải cố gắng tham mưu để nếu mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5% thì ít nhất, lương hưu phải tăng 15%”, Bộ trưởng lưu ý.
Đối với người có công, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, sẽ đảm bảo cao hơn mức sống bình quân của xã hội.
“Về bảo trợ xã hội, phải sửa ngay Nghị định 20 sớm nhất, mức trợ cấp với đối tượng này phải nâng lên, vì mức chuẩn 360 nghìn đồng hiện nay là quá thấp, phấn đấu tối thiểu phải bằng 50% mức chuẩn nghèo nông thôn. Đồng thời, cải cách toàn bộ các chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước”, ông Dung nói.
Xoá toàn bộ 400 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát
Liên quan công tác giảm nghèo, theo Bộ trưởng, đây là chương trình rất quan trọng, chúng ta đưa ra các tiêu chí, những nội dung còn đang vướng mắc thì ngay trong quý I sẽ phối hợp để sửa đổi, đặc biệt là tiêu chí về thu nhập thấp, vấn đề đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đặc biệt, tư lệnh ngành nhấn mạnh, năm nay sẽ phát động phong trào thi đua trong cả nước, chung tay cùng toàn dân xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Ông bày tỏ tham vọng, phấn đấu trong hai năm 2024-2025 xoá toàn bộ 400 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát bằng các cơ chế khác nhau với sự phối hợp của nhà nước, người dân, doanh nghiệp và địa phương.
“Sắp tới, Chính phủ sẽ chủ trì phát động, Bộ LĐ-TB&XH cùng với Mặt trận tổ quốc, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì chương trình này”, Bộ trưởng thông tin.
Sau cùng, thêm một lần nữa, trong không khí tràn đầy niềm vui đầu Xuân, Bộ trưởng chúc cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ với tinh thần, nhiệt huyết sẵn có, và lòng yêu nghề, đam mê công việc, sẽ khởi động một năm làm việc đầy quyết tâm, để chờ đón những thắng lợi mới.
13,9 triệu đối tượng được tặng quà Tết với kinh phí gần 7.762 tỷ đồng Trước đó, báo cáo về tình hình bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Chánh Văn phòng Vũ Xuân Hân cho biết, nhìn chung, công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được thực hiện hiệu quả, vui tươi, đầm ấm, thiết thực. Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH các địa phương cho thấy, toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho 13,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 7.762 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là gần 646 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 4.379 tỷ đồng; kinh phí vận động xã hội hóa là 2.737 tỷ đồng. Tổng các nguồn kinh phí hỗ trợ, tặng quà Tết cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công khoảng 2.745 tỷ đồng Bên cạnh đó, Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2024, trung ương và địa phương đã hỗ trợ khoảng 17.736 tấn gạo cho người dân trong cả nước… |
.