(Dân trí) – Phát huy sức mạnh đại đoàn kết và giá trị tốt đẹp của văn hóa; khai mở sức sáng tạo, khơi thông các nguồn lực… là thông điệp quan trọng được Chủ tịch nước đề cập trong lời chúc Tết Giáp Thìn 2024.
“Thông điệp được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi gắm tới toàn thể quốc dân đồng bào trong đêm Giao thừa Tết Giáp Thìn rất ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc”, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, nhận định khi chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Trong lời chúc Tết thời khắc Giao thừa chuyển giao từ năm cũ Quý Mão 2023 sang năm mới Giáp Thìn 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh năm qua, đất nước ta đã khẳng định vị thế mới, tầm vóc mới của một Việt Nam kiên cường trong gian khó, luôn kiên trì theo đuổi những giá trị tốt đẹp.
Người đứng đầu Nhà nước tin rằng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, đề cao phẩm giá, trí tuệ và khai mở sức sáng tạo trong mỗi cá nhân, giải phóng các tiềm năng, khơi thông các nguồn lực, sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn, để dân tộc ta vững bước tiến lên đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi thông điệp chúc Tết Giáp Thìn tới toàn thể quốc dân, đồng bào trong đêm Giao thừa (Ảnh: Nhật Bắc).
Đoàn kết tạo ra “sức mạnh mềm”, sức mạnh nội sinh
Nhấn mạnh ý nghĩa của thông điệp này, TS Nguyễn Viết Chức khẳng định tầm quan trọng của văn hóa. Theo ông, tất cả thời đại phát triển đều là thời đại văn hóa đóng vai trò quan trọng. Ở những giai đoạn thái bình thịnh trị, yếu tố văn hóa giữ vai trò cốt yếu, và như người xưa thường nói, trong những giai đoạn ấy, khắp hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng có tiếng hát ca, người dân sống cuộc đời vui vẻ.
Ngày nay, những nơi coi trọng phát triển văn hóa trở thành những nơi đáng sống, không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất mà nâng cao cả đời sống tinh thần của người dân.
Bây giờ hiện đại thì là nơi đáng sống, ở đó không chỉ có cơm ăn áo mặc hay đáp ứng về vật chất mà cả tinh thần.
Nhìn lại tiến trình lịch sử, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng các lãnh tụ cũng như đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đều đề cao văn hóa, coi văn hóa như là một nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, mục tiêu thúc đẩy xã hội phát triển.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Sau này, khi viết về đổi mới, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng viết cuốn sách “Văn hóa và đổi mới”, để khẳng định vai trò, vị trí hàng đầu của văn hóa.
“Trong thông điệp chúc Tết Giáp Thìn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc tới văn hóa là nhắc tới lịch sử của dân tộc, nhắc tới sự trường tồn và phát triển của dân tộc qua hàng nghìn năm. Và nét văn hóa lớn nhất, mang tính đặc trưng nhất của dân tộc Việt Nam, chính là đoàn kết”, theo TS Nguyễn Viết Chức.
Bắn pháo hoa tầm cao trên mặt sông Sài Gòn trong đêm Giao thừa Tết Giáp Thìn (Ảnh: Hải Long).
Nếu không có tinh thần đại đoàn kết toàn dân, theo ông Chức, đất nước không thể trường tồn và phát triển như ngày nay.
“Một đất nước nhỏ như Việt Nam, nếu không có sự đoàn kết triệu người như một, không thể nhấn chìm hết bè lũ xâm lược và vượt qua hết khó khăn. Thiếu đi tinh thần đoàn kết, toàn dân tộc cũng không thể chống lại được thiên tai địch họa”, ông Chức nhấn mạnh.
Minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần này đã được thể hiện qua giai đoạn đại dịch Covid-19 với những khó khăn chất chứa chưa từng có tiền lệ.
Với sự đoàn kết trên dưới một lòng, truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, Việt Nam đã khống chế dịch bệnh thành công bằng kết quả “đi sau về trước”, vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Cũng nhờ nỗ lực tuyệt vời ấy, tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt hơn 5%, gấp hai lần GDP bình quân toàn cầu, vào tốp đầu những nền kinh tế tăng trưởng cao của thế giới. Xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản lập nhiều kỷ lục đáng ghi nhận. Xuất siêu hơn 28 tỷ USD, giải ngân đạt hiệu quả cao
Không chỉ đạt kết quả tích cực về các chỉ số kinh tế đều có xu hướng tích cực, Việt Nam còn tăng trưởng vượt bậc về thương hiệu quốc gia, ghi dấu ấn ngày càng cao trên trường quốc tế.
Theo TS Nguyễn Viết Chức, nhìn vào hình ảnh của một Việt Nam kiên cường, bản lĩnh và đoàn kết, bạn bè thế giới đều thấy thiện cảm và khâm phục tinh thần ấy. Vị thế ngoại giao của Việt Nam trong năm qua là minh chứng rõ nét nhất cho điều này khi nhiều lãnh đạo của các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc đều chọn Việt Nam là điểm đến.
Nhiều nước trên thế giới cũng đánh giá cao tình cảm và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, ghi nhận Việt Nam trở thành bạn và đối tác tin cậy của các nước trên thế giới.
“Giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy tính đại đoàn kết toàn dân tộc, suy cho cùng, phải tạo ra giá trị thiết thực, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Và quan trọng hơn là đổi mới tư duy, cùng nhau xây dựng đất nước cường thịnh, phát triển bền vững”, theo lời TS Nguyễn Viết Chức.
Theo ông, thông điệp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngắn gọn nhưng đầy đủ, gói trọn trong những nội dung quan trọng về văn hóa và đoàn kết bởi đây là những yếu tố cốt lõi tạo ra sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh trong từng con người và trong cả cộng đồng.
“Lời chúc ngắn gọn với một mong ước sâu sắc của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã gửi đi một thông điệp tới toàn thể nhân dân cũng như cộng đồng quốc tế về khát vọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, ông Chức nói.
Chủ trương đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế cũng được cụ thể hóa trong nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Nhìn lại thời gian qua, ông Chức cho rằng chủ trương này đã có thay đổi rõ nét từ Trung ương đến địa phương, khi các địa phương đều có nghị quyết về phát triển văn hóa.
Ông Chức nhận định khi đặt vai trò của văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, văn hóa sẽ thực sự là nền tảng và là một lĩnh vực làm cho xã hội phát triển một cách bền vững, làm cho đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy phát triển
Cũng trong thông điệp chúc Tết, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc tới việc “khai mở sức sáng tạo trong mỗi cá nhân, giải phóng các tiềm năng, khơi thông các nguồn lực”. TS Nguyễn Viết Chức cho rằng đây là một định hướng đúng, bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần từng nói về tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục (Ảnh: Tổ quốc).
Ông ví mọi lĩnh vực trong xã hội giống như mạch máu giao thông, phải thông suốt mới có thể vận hành và phát triển.
Để khơi thông nguồn lực trong bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới nhiều biến động khó lường như hiện nay, TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh cán bộ đảng viên cần quán triệt tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và không tham ô tham nhũng.
Người dân cũng phải thông suốt rằng trong cuộc sống có “ngón dài ngón ngắn”, trong đội ngũ cán bộ cũng có người này người kia nên đừng nhìn vào thực trạng nhiều cán bộ vi phạm và bị xử lý để đánh giá về bức tranh chung của đất nước.
Việc khơi thông nguồn lực, theo ông Chức, có thể bắt nguồn ngay từ việc thúc đẩy tiến độ các dự án hạ tầng, đặc biệt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được đầu tư theo hình thức đầu tư công, đầu tư tư hay hợp tác công tư…
“Thủ tướng ngay trong những ngày cuối năm và đầu năm mới, đều đã trực tiếp thị sát, kiểm tra hàng loạt dự án giao thông trọng điểm để thúc tiến độ, động viên những công nhân và người lao động làm việc xuyên đêm, xuyên Tết giúp công trình về đích đúng hạn.
“Dự án đầu tư kéo dài tiến độ, xã hội sẽ chậm phát triển, không đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Vì vậy, trong thông điệp gửi tới quốc dân đồng bào, người đứng đầu Nhà nước tin tưởng mỗi người từ cán bộ lãnh đạo đến người dân phải có sự gắn bó, sẻ chia và thông suốt mọi thứ, có như vậy, đất nước mới phát triển bền vững”, theo lời TS Nguyễn Viết Chức.
Hoài Thu – Dantri.com.vn