Thứ Hai, ngày 17/6/2024, Quốc hội bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, cũng là ngày làm việc thứ mười tám của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Buổi sáng, nội dung 1: Quốc hội họp riêng để xem xét, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).
Tại phiên thảo luận đã có 10 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó các đại biểu đều tán thành sự cần thiết đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành để từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, mở rộng không gian phát triển mới cho các địa phương, tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa thuận lợi, kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép – Thị Vải để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc đảm bảo quốc phòng và an ninh.
Các đại biểu cũng tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo nghị quyết, đồng thời tập trung thảo luận về các nội dung cụ thể như: quy mô, phân kỳ đầu tư; phân chia dự án thành phần; số làn xe, làn dừng khẩn cấp; trạm nghỉ, dừng chân, đường gom, hầm chui dân sinh; tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn, khả năng bố trí vốn, nhất là khả năng của các địa phương; khả năng hấp thụ vốn, thời hạn giải ngân vốn; cơ sở, căn cứ, tính khả thi của việc đầu tư dự án theo phương thức đối tác công – tư; phương án tài chính; việc lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát việc tuân thủ các quy hoạch, các chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất; phạm vi, quy mô, phân kỳ đầu tư, phân chia dự án thành phần; đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai dự án như thu hồi đất, bồi thường, bố trí tái định cư, đáp ứng nguyên liệu cho các dự án để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án; đánh giá ảnh hưởng của các dự án đến việc thực hiện các dự án giao thông BOT song hành. Các đại biểu cũng đề nghị việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư cần công khai, minh bạch, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các địa phương, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân; việc triển khai các chính sách đặc thù phải tiết kiệm, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; việc phân cấp cho địa phương cần đảm bảo khả năng thực hiện, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, các địa phương trong quá trình thực hiện dự án.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Tại phiên thảo luận đã có 8 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cơ bản nhất trí với sự cần thiết xem xét, điều chỉnh một số nội dung, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án trong Chương trình, thống nhất trình Quốc hội đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và không ban hành Nghị quyết riêng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả rà soát danh mục đầu tư, đánh giá tác động chính sách khi điều chỉnh chủ trương đầu tư; làm rõ các quy hoạch, kế hoạch phát triển trong hệ thống giáo dục đào tạo các giai đoạn tiếp theo; bổ sung, rà soát danh mục bảo đảm mục tiêu, nguyên tắc thực hiện chương trình. Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung để tạo sự thống nhất giữa các văn bản của Chính phủ, của các bộ, ngành trung ương; chỉ đạo rà soát kỹ 4 nhóm đối tượng, bảo đảm sự thống nhất của các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm nguyên tắc đã được Quốc hội quyết định, không để bỏ sót đối tượng, nhằm phát huy đóng góp của người dân, doanh nghiệp có hoạt động ở địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan triển khai đầy đủ các kiến nghị tại Báo cáo giám sát chuyên đề 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết của Quốc hội về giám sát Chương trình này và Nghị quyết 111/2024/QH15 về các cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; sớm tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai giai đoạn tiếp theo.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: (i) Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); (ii) Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi); (iii) Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); (iv) Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Thứ Ba, ngày 18/6/2024, Sáng: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); Chiều: Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).