Thông cáo báo chí số 1, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV

Việt NamViệt Nam12/02/2025

Thứ Tư, ngày 12/2/2025, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc và bước vào ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)

BUỔI SÁNG

- Từ 7 giờ 30 phút: Quốc hội họp phiên trù bị

Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Sau đó, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV với số phiếu tán thành cao.

- Từ 8 giờ 00: Quốc hội họp phiên khai mạc

Quốc hội làm lễ chào cờ. Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự Kỳ họp. Phiên khai mạc có sự tham dự của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Lương Cường, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; phóng viên các cơ quan báo chí.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe các nội dung: (i) Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV; (ii) Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; (iii) Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; (iv) Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) (Phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: (i) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; (ii) Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

BUỔI CHIỀU

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe các nội dung: (i) Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); (ii) Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); (iii) Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Tại phiên thảo luận có 10 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 56-NQ/TW, Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kết luận số 111-KL/TW của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; đồng thời, nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: thẩm quyền của Quốc hội trong làm luật và sửa đổi luật; xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; việc phân định thẩm quyền của Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; thẩm quyền quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; việc thành lập các tiểu ban của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; việc chuyển 2 Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành 2 Ủy ban của Quốc hội; vấn đề tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; việc thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội; việc tổ chức các kỳ họp Quốc hội (kỳ họp thường kỳ, kỳ họp bất thường, kỳ họp chuyên đề, kỳ họp không thường lệ); quy định chuyển tiếp.

Kết thúc thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thứ Năm, ngày 13/2/2025, Buổi sáng: Quốc hội thảo luận ở tổ về: (i) Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); (ii) Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); (iii) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe các nội dung: (i) Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; xem videoclip về dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; (ii) Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available