(MPI) – Ngày 16/10/2024, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 472/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Theo đó, trình tự, thủ tục, thầm quyền, nội dung thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư của Chính phủ đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đã được quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các cơ quan nhà nước có liên quan khi được lấy ý kiến cần có ý kiến thẩm định rõ ràng, đầy đủ về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình đối với hồ sơ dự án theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời hạn quy định.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ dự án, tổng hợp ý kiến thẩm định của các cơ quan nhà nước có liên quan để lập báo cáo thẩm định, chỉ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp khi hồ sơ dự án đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan; không trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa đủ điều kiện, chưa có ý kiến thẩm định thống nhất, rõ ràng của các Bộ ngành, địa phương liên quan, trường hợp cần thiết, trong quá trình thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp để thống nhất khi còn ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ ràng giữa các cơ quan.
Đồng thời, thiết kế điều khoản chuyển tiếp đối với các trường hợp hồ sơ dự án đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng sẽ được phân cấp cho địa phương về thẩm quyền phê duyệt/chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trong Luật sửa đổi các luật (về đầu tư, đấu thầu, quy hoạch, PPP) để đảm bảo không tạo khoảng trống pháp lý, không tạo thủ tục hành chính rườm rà, trong đó bao gồm đồng bộ cả quy trình, thủ tục, hồ sơ thẩm định, phê duyệt/chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khi phân cấp./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-10-17/Thong-bao-ket-luan-cua-Pho-Thu-tuong-Chinh-phu-ve-uvn9eh.aspx