1. Thôn Hà Nội nằm ở tỉnh nào?
- Hà Giang
- Cao Bằng
- Bắc Giang
- Thái Nguyên
Hà Nội là tên một thôn của xã Đại Thành, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Thôn có ngôi đình Hà Nội, được xây dựng vào thời Lê. Đình thôn Hà Nội cũng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Thôn Hà Nội nằm ở xã Đại Thành, một xã có diện tích đất nhỏ so với các xã trong huyện, chỉ khoảng 3km2. Xã có nghề làm mì, bún, bánh chế tạo từ gạo nổi tiếng trong vùng.
2. Huyện có tên gọi trùng với tên cù lao nằm ở tỉnh nào?
- Quảng Ngãi
- Bình Thuận
- Sóc Trăng
- Trà Vinh
Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có tên gọi trùng với tên cù lao nằm ở tỉnh này. Cù Lao Dung là một cồn đất chạy dài hơn 40km trên sông Hậu, càng về cuối càng nở ra. Huyện Cù Lao Dung nằm giữa hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, gồm 3 hòn cù lao nhỏ là Tròn, Dung và Cồn Cộc gộp lại.
Theo quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại huyện Cù Lao Dung sẽ hình thành các khu chức năng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng; phát triển đô thị phù hợp với điều kiện đặc thù; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng kết hợp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sinh thái ven biển, du lịch sinh thái dưới tán rừng.
3. Ngoài Hải Phòng, tỉnh nào cũng có huyện An Lão?
- Kiên Giang
- An Giang
- Bình Định
- Bắc Giang
Ngoài Hải Phòng, Bình Định cũng có huyện An Lão. Đây là một huyện miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh. Bốn phía của huyện bao bọc bởi nhiều dãy núi nên còn được gọi là thung lũng An Lão. Tại huyện này có 3 dân tộc sinh sống là Kinh, Hre và Bana với bề dày về văn hóa và lịch sử. Nơi cao nhất tại huyện này là xã An Toàn, cao 1.000m so với mực nước biển, được ví như “cổng trời” của tỉnh Bình Định.
4. Hai tỉnh nào cùng có huyện Bảo Lâm?
- Cao Bằng, Ninh Thuận
- Ninh Thuận, Bắc Kạn
- Bắc Kạn, Lâm Đồng
- Lâm Đồng, Cao Bằng
Bảo Lâm cùng được đặt cho tên huyện của các tỉnh Cao Bằng, Lâm Đồng. Trong đó, Bảo Lâm (Cao Bằng) là huyện vùng cao, biên giới phía Tây Nam của tỉnh, nơi có dòng sông Gâm trong xanh. Huyện có 9 dân tộc chính, dân tộc thiểu số chiếm trên 98%.
Huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) nằm trên cao nguyên Di Linh, độ cao trung bình là 900m. Huyện là nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản giàu nhất tỉnh, chiếm 10% tổng giá trị tài nguyên khoáng sản của vùng Đông Nam Bộ, trong đó thì nguồn tài nguyên Bauxit chiếm tỷ lệ lớn nhất. Các dân tộc chủ yếu sống ở huyện này là K’ho, Kinh, Nùng, Tày…
5. Đâu không phải là tên một huyện của Đắk Lắk?
- Krông Ana
- Krông Bông
- Krông Nô
- Krông Năng
Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước. Hiện nay, tỉnh có 13 huyện, 1 thành phố, 1 thị xã. Các huyện Krông Ana, Krông Bông, Krông Năng đều là huyện của Đắk Lắk. Trong khi đó, huyện Krông Nô lại thuộc tỉnh Đắk Nông. Tên huyện này được đặt theo tên của sông Krông Nô, một trong hai phụ lưu hợp thành của sông Srêpốk.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thon-ha-noi-nam-o-tinh-nao-2329413.html