Khó thích nghi, dễ đổ bệnh
Trời nồm ẩm, bà Nguyễn Hoàng Yến (77 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) khó ngủ bởi lúc thấy nóng, khi thấy lạnh. “Mới nằm ngủ thì phải đắp chăn nhưng quá nửa đêm thì lại mồ hôi ra đầy lưng và cổ, rất dễ nhiễm lạnh ngược lại cơ thể. Thế nên hai ngày nay tôi bắt đầu húng hắng ho và nghe có đờm. Tôi đang uống bổ phế, nếu không đỡ thì phải tới viện khám”, bà Yến cho biết.
Nhiều bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp cao và viêm xoang mạn tính từ nhiều năm nay nên với bà Yến, thời tiết thay đổi tác động rõ rệt đến sức khỏe.
Theo TS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện virus và vi khuẩn phát triển. Đây cũng là mùa đáng ngại nhất với bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, đột quỵ, tim mạch. Thời tiết thay đổi liên tục trong ngày như sáng, tối sương mù, đôi khi kèm mưa phùn, trưa hửng nắng, khiến cơ thể người cao tuổi khó thích nghi kịp, càng dễ nhiễm bệnh. Lạnh nồm ẩm là yếu tố nguy cơ dẫn đến khởi phát các đợt phổi cấp, suy hô hấp… nhất là người có bệnh lý nền.
Bên cạnh yếu tố thời tiết, cơ thể người cao tuổi theo tuổi tác suy giảm các chức năng, dễ bị vi khuẩn xâm nhiễm, gây bệnh.
BS Hà Thị Vân Anh, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết sau Tết, bệnh nhân nhập viện thường tăng, chủ yếu là các bệnh huyết áp, dị ứng, khởi phát những cơn gout cấp, bên cạnh các bệnh lý tim mạch.
Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân cao tuổi nhập viện sau Tết thường tăng cao, trong đó có một số bệnh nhân trước Tết tạm ổn định, nên cho ra viện thì sau Tết nhập lại. Ngoài ra có bệnh nhân không kiểm soát tốt điều trị, quên thuốc khi đi du lịch, đi chơi, không duy trì điều trị, ăn nhiều đồ mỡ, tinh bột… khiến bệnh trở nặng. Yếu tố thời tiết cũng tác động đến tình trạng bệnh lý và sức khỏe của bệnh nhân.
Những lưu ý quan trọng
“Thời tiết lạnh và nồm ẩm nhiều nên người cao tuổi cũng chú ý mặc ấm nhưng quần áo đảm bảo thoáng, không mặc đồ bó quá, tránh cho việc ra mồ hôi rồi ngấm trở lại dễ gây ho và viêm phế quản. Nhiều người già có thói quen khi ra đường hay dùng khăn bịt kín mặt, làm như vậy dễ ra mồ hôi, khi hít vào thì đồng thời cũng dễ bị nhiễm lạnh. Do vậy, cần lưu ý đeo khẩu trang thoáng, không nên dùng khăn vắt qua mặt mũi”, BS Vân Anh lưu ý.
Để bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thời tiết như hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài và luôn đảm bảo cơ thể được giữ ấm. Gia đình có thể sử dụng máy hút ẩm để không khí được khô thoáng, thường xuyên vệ sinh họng và môi trường sạch sẽ, tránh bụi bặm trong nhà để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
Nếu phải ra đường, người già nên sử dụng khẩu trang, hạn chế lưu thông những lúc đường đông, tránh khu vực ô nhiễm.
Ngoài đảm bảo dinh dưỡng, người cao tuổi cần duy trì tập luyện thể dục phù hợp, tuy nhiên hạn chế tập lúc sáng sớm hay tập luyện quá sức để tránh nguy cơ nhiễm lạnh hoặc đột quỵ.
“Các gia đình cần chú ý và nhắc nhở người cao tuổi sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tâm lý chủ quan dùng thuốc không điều độ, tự ý bỏ thuốc hoặc trì hoãn. Nếu trong gia đình có người cao tuổi xuất hiện các dấu hiệu như ho, khạc tăng, sốt cần đi khám, can thiệp sớm, hiệu quả điều trị cao hơn”, BS Vân Anh nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/thoi-tiet-nom-am-nguoi-cao-tuoi-can-luu-y-dieu-gi-192240221075312693.htm