Thời tiết giao mùa, nóng ẩm tạo điều kiện vi khuẩn phát triển
Ngày 26.4, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Ngọc Lưu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết trong một năm bệnh tay chân miệng thường có 2 đỉnh dịch. Đỉnh dịch thứ nhất thường từ tháng 4-5 hằng năm – giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mưa, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây lan qua đường tiêu hóa bao gồm tay chân miệng. Đỉnh dịch thứ hai bắt đầu từ tháng 9-10 khi trẻ bắt đầu quay trở lại trường học.
Thông thường, theo chu kỳ khoảng 3-4 năm thì có đợt dịch nặng, với số ca mắc bệnh gia tăng, kèm theo số ca bệnh nặng tăng. Đặc biệt những đợt bùng dịch tay chân miệng do vi rút EV71. Riêng hai năm 2011 và 2023, dịch tễ có khác biệt là đợt dịch kéo dài, từ giữa cuối tháng 5 đến cuối năm, không có dấu hiệu giảm vào những tháng giữa năm.
“Năm nay dịch bệnh tay chân miệng đến sớm hơn năm 2023, bắt đầu gia tăng từ tháng 4. Đặc biệt nắng nóng kéo dài làm cho nhóm bệnh lây lan qua đường tiêu hóa có xu hướng gia tăng, trong đó có bệnh về đường ruột và tay chân miệng”, bác sĩ Lưu cho hay.
Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca khám ngoại trú trong nửa đầu tháng 4 tăng gấp đôi so với tháng 3. Từ ngày 1 – 14.4, bệnh viện tiếp nhận 329 trường hợp thăm khám tay chân miệng. Tương tự, số bệnh nhân nhập viện nội trú tay chân miệng cũng tăng so với tháng 3.
Theo bác sĩ Lưu, dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng là trẻ sốt, mệt mỏi, phát ban dạng phỏng nước, loét miệng đau họng… Bệnh thường diễn tiến trong 7 ngày, các diễn tiến nặng thường xuất hiện từ ngày thứ 2-5. Do đó phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu nặng như trẻ sốt cao liên tục khó hạ, ngủ giật mình chới với (tần suất nhiều hơn 2 lần/30 phút), co giật, loạng choạng, tím tái, ngủ gà, nôn ói nhiều, bỏ bú, quấy khóc liên tục, run giật chân tay…
Chủ động phòng tay chân miệng
Bác sĩ Lưu khuyến cáo phụ huynh trong thời tiết nắng nóng, cần chú ý giữ an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ và giữ vệ sinh tay. Cho trẻ ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh nghi ngờ mắc bệnh.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Không cho trẻ gặm mút đồ chơi, không cho trẻ chơi chung đồ chơi chưa tiệt trùng.