Khi thời tiết giao mùa, ẩm độ trong không khí khá cao là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh bùng phát.
Nhiều trẻ em mắc bệnh
Chị Thanh Huệ (34 tuổi, phường 3, TP. Tây Ninh) cho biết, cả tuần nay chị phải đưa con trai 4 tuổi khám bệnh ở phòng khám tư nhân trong tình trạng sốt cao, ho, thở khò khè. “Con tôi đã nghỉ học, ở nhà nhiều ngày vì bị sổ mũi, sốt 38,5 độ C, ho, khó ngủ. Mặc dù cho uống thuốc nhưng không giảm. Kết quả chụp X-quang phổi, bác sĩ kết luận bé bị viêm phế quản, biến chứng suy hô hấp. Qua nhiều ngày điều trị, hiện sức khoẻ cháu đang dần ổn định”- chị Huệ nói.
Chị Diễm Trang (36 tuổi, thị xã Hoà Thành) chăm con gái 5 tuổi trong bệnh viện do mắc bệnh tay chân miệng hơn 1 tuần qua. Trước đó, bé có biểu hiện ho sốt, nghĩ con bị cảm cúm thông thường nên gia đình theo dõi và tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sau 3 ngày thấy triệu chứng không giảm nên chị đưa bé nhập viện.
Bác sĩ Võ Thị Ánh Hà- Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cho biết, trẻ em có sức đề kháng yếu, thời tiết giao mùa như hiện nay rất dễ tác động đến cơ thể của các em. Vì vậy, điều các bậc phụ huynh cần lưu ý là phòng ngừa cho trẻ. “Khoảng một tháng nay, bệnh nhi nhập viện do các bệnh lý như nhiễm siêu vi, cúm, tiêu chảy cấp, ngộ độc thức ăn, viêm phế quản, viêm phổi, tay chân miệng… gia tăng. Trong đó, trẻ mắc bệnh tay chân miệng chiếm số nhiều trong 2 tháng qua. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao, bệnh liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường. Bệnh thật sự nguy hiểm nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ… Nếu gặp những biểu hiện này, phụ huynh nên khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời”- bác sĩ Ánh Hà khuyến cáo.
Theo bác sĩ Hà, khi thời tiết giao mùa, ẩm độ trong không khí khá cao là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh bùng phát. Đối với bệnh nhi nhỏ tuổi, bệnh dễ chuyển nặng hơn. Các bệnh thường gặp nhất ở trẻ mùa này là bệnh lây truyền qua đường hô hấp (chiếm trên 50%), đường tiêu hoá và bệnh lây truyền từ côn trùng như: viêm phổi, viêm phế quản, sốt xuất huyết, thuỷ đậu, quai bị, các bệnh về dị ứng (viêm da, nổi mẩn ngứa, viêm kết mạc và viêm mũi dị ứng)… đang có khuynh hướng tăng cao.
Bác sĩ thăm khám trẻ đang điều trị tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
Không nên chủ quan
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận 43 ca mắc bệnh tay chân miệng (tăng 28 ca so với năm 2022). Bệnh sốt xuất huyết có 526 ca (giảm 181 ca so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, TX. Trảng Bàng, huyện Châu Thành và Dương Minh Châu là địa phương có số ổ dịch được phát hiện nhiều nhất, không ghi nhận ca tử vong.
Theo bác sĩ Trần Huyền Trân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa cao là nguyên nhân cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, hô hấp, bệnh do muỗi truyền. Bên cạnh đó, các dịch bệnh như: cúm, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản… có xu hướng tăng do đang vào giai đoạn cao điểm của mùa dịch bệnh, nếu không có biện pháp phòng ngừa, có thể bùng phát thành dịch lớn.
Bác sĩ Trân cho biết thêm, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước có nhiều diễn biến phức tạp từ đầu tháng 4 đến nay. Sự xuất hiện của các biến thể mới, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch, trong đó có một số nhóm nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh bao gồm nhóm người cao tuổi, bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai. “Dự đoán các bệnh truyền nhiễm sẽ khó lường, nguy cơ tăng cao trong giai đoạn tới. Để khống chế kịp thời, ngành Y tế chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, nhất là đối với dịch bệnh nhóm A, không để ổ dịch bệnh lây lan, kéo dài”- bác sĩ Trân nhấn mạnh.
Tăng cường biện pháp phòng ngừa
Bác sĩ Võ Thị Ánh Hà cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng các bậc phụ huynh cũng cần chủ động hỗ trợ cho con em mình chuẩn bị tốt về thể lực, nâng cao sức đề kháng và các biện pháp phòng, chống dịch để các em được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.
Theo đó, cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình. Ăn uống hợp vệ sinh, chế biến và bảo quản thực phẩm phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hoá có thể gây hại cho sức khoẻ của trẻ. Đồng thời, tăng cường lượng dịch uống để bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi để nguội… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật. Ngoài ra, cần tiêm ngừa đầy đủ các loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vaccine sẵn có để giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất.
Nên tiêm ngừa đầy đủ các loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vaccine sẵn có để giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất.
“Một hệ miễn dịch khoẻ mạnh sẽ giúp các em phát triển tốt nhất, chống lại các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm. Dạy trẻ những kiến thức, kỹ năng và thói quen lành mạnh, gia đình bảo đảm dinh dưỡng cho các em thật tốt. Thời điểm giao mùa khiến trẻ dễ mắc bệnh. Khi đó cha mẹ cần theo dõi diễn biến của bệnh để phát hiện những bất thường và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Cần chăm sóc trẻ đúng cách khi ốm để giúp trẻ nhanh phục hồi”- bác sĩ Ánh Hà khuyến cáo.
Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần tuân thủ thực đơn dinh dưỡng và giờ giấc sinh hoạt của trẻ, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, giúp trẻ tăng thêm sức đề kháng, chống lại bệnh tật, để trẻ có được sự phát triển tốt nhất. Bên cạnh đó, cần bảo đảm vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh như vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, những vị trí nhiều người chạm vào (tay nắm cửa) để loại bỏ tối đa các loại virus, vi khuẩn bám vào, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ. Trường hợp, khi phát hiện trẻ mắc bệnh truyền nhiễm, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tâm Giang