Trí nhớ là khả năng lưu giữ thông tin từ môi trường ngoài tác động lên cơ thể qua các giác quan, được cơ thể ghi nhận và lưu trữ lại. Nơi lưu trữ thông tin chủ yếu là ở các cấu trúc não, những thông tin này sẽ được cơ thể tái hiện, khai thác, sử dụng trong những trường hợp cần thiết.
Bản chất của trí nhớ chính là việc thành lập đường liên hệ thần kinh tạm thời trên não bộ. Cơ sở sinh lý của trí nhớ chính là quá trình hình thành, lưu giữ, củng cố và khôi phục lại các đường liên hệ thần kinh tạm thời.
Trí nhớ có nhiều loại. Người ta có thể phân loại trí nhớ dựa theo sự hình thành trí nhớ (theo cách phân loại này thì trí nhớ bao gồm: trí nhớ hình tượng, trí nhớ vận động, trí nhớ cảm xúc, trí nhớ ngôn ngữ – logic), hoặc phân loại trí nhớ dựa theo thời gian tồn tại của trí nhớ (theo cách phân loại này thì trí nhớ bao gồm trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn).
Những yếu tố ảnh hưởng trí nhớ
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến trí nhớ, gồm cả yếu tố ngoại cảnh, môi trường và những bên trong cơ thể. Mặt khác, lượng thông tin, nội dung, hình thức của thông tin tiếp nhận cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp việc hình thành trí nhớ dễ dàng, lâu bền.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh tích cực, sẽ mang lại tình trạng tốt nhất về thể chất và tinh thần.
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng này, chúng ta có thể quên các đồ vật như chìa khóa, lúc thì tìm kính, bút, rồi điện thoại để ở đâu. Hiện tượng này có thể hạn chế được nếu các vật dụng đó luôn được để ngăn nắp, gọn gàng, có một chỗ để quy định. Người ta cũng có thể rèn luyện để có trí nhớ tốt bằng cách lên kế hoạch cho các công việc, sắp xếp, bố trí vật dụng gọn gàng, ngăn nắp.
Để có được trí nhớ tốt, chúng ta cần thúc đẩy cả các yếu tố bên trong và các yếu tố bên ngoài, cả trong việc rèn luyện duy trì một nếp sống, nếp sinh hoạt ngăn nắp, gọn gàng, sắp xếp công việc khoa học, có kế hoạch.
Chế độ dinh dưỡng tốt cho trí não
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ cung cấp đầy đủ cho cơ thể chúng ta năng lượng, vi chất dinh dưỡng, nhóm chất có hoạt tính sinh hoạt cao, vai trò rất quan trọng cho trí nhớ như: omega-3; omega-6; chất béo phốt pho (phospholipid); các axít a-min.
Chất béo thiết yếu (omega-3 và omega-6): Đây là các chất béo thiết yếu, là nguyên liệu cấu tạo nên tế bào thần kinh. Não còn cần cả chất bão hoà và cholesterol, nhưng vì cơ thể có thể tự tổng hợp được nên không bị thiếu. Riêng omega-3 và omega-6 dễ bị thiếu, vì thế phải đưa từ bên ngoài vào qua đường ăn uống. Các chất béo thiết yếu này có trong các loại cá và hạt nhiều dầu.
Chất béo phốt pho (phospholipid): Đây là người bạn tốt nhất của trí nhớ. Chất béo bao bọc dây thần kinh nên thúc đẩy sẽ dẫn truyền các tín hiệu trơn tru trong não. Mặc dù cơ thể có thể tự tạo phospholipid, nhưng chế độ ăn có thêm chất này vẫn tốt. Phospholipid nhiều trong lòng đỏ trứng và thịt nội tạng.
Axít a-min: Đây là thành phần tạo nên các chất dẫn truyền thần kinh (chất mang tín hiệu từ tế bào thần kinh này sang thế bào thần kinh khác) nên hết sức cần thiết. Những a-xít a-min này có nhiều trong thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành và các loại đậu khác.
Ngoài ra, nhiều loại vi chất dinh dưỡng cũng trực tiếp hay gián tiếp góp phần vào việc tăng cường và duy trì trí nhớ, ví dụ như chất sắt là vi chất quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu, chúng ta sẽ không thể tiếp thu thông tin tốt nếu cơ thể chúng ta luôn mệt mỏi, buồn ngủ do bệnh thiếu máu dinh dưỡng gây nên.
Hiểu được những yếu tố có liên quan đến việc hình thành và duy trì trí nhớ, chúng ta sẽ có những thay đổi tích cực, đặc biệt là về thói quen dinh dưỡng và lối sống, sao cho luôn duy trì được một tình trạng sức khỏe tốt nhất và tinh thần minh mẫn. Đó là điều kiện cơ bản để giúp bạn có trí nhớ tốt.