Nghiên cứu được công bố mới đây do nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ) thực hiện đã phát hiện ra rằng những người có chất lượng giấc ngủ thấp, thời lượng ngủ không đều có thể khiến hệ thống tim mạch dần dần bị tổn thương và đối mặt với nguy cơ cao sẽ khởi phát bệnh tim trong tương lai, theo chuyên trang The Healthy.
Trưởng nhóm nghiên cứu, phó giáo sư, tiến sĩ Kelsie Full (Đại học Vanderbilt, Mỹ) cho biết: “Phát hiện mới cho thấy việc duy trì thời lượng giấc ngủ đủ và đều đặn, cũng như ngủ cùng một thời điểm mỗi đêm có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch”.
Tiến sĩ Full giải thích cơ thể chúng ta giống như cỗ máy hoạt động theo đồng hồ sinh học (còn được gọi là nhịp sinh học). Những nhịp điệu này điều chỉnh vô số quá trình, trong đó có cả giấc ngủ, và giúp cơ thể hoạt động nhịp nhàng. Khi chúng ta phá vỡ sự đều đặn này bằng cách thay đổi lịch trình giấc ngủ có thể khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc thích nghi và sinh bệnh.
“Hầu như tất cả các chức năng chính của tim mạch, bao gồm nhịp tim, huyết áp, trương lực mạch và chức năng nội mô, đều được điều chỉnh bởi đồng hồ sinh học tự nhiên của cơ thể”, tiến sĩ Full cho biết và nói thêm đó cũng là lý do giấc ngủ kém chất lượng có thể kéo theo bệnh tim.
Để đảm bảo chất lượng giấc ngủ, Học viện Y học về giấc ngủ của Mỹ khuyến nghị mọi người nên duy trì các thói quen sau đây mỗi đêm để có giấc ngủ lành mạnh hơn, cũng như hạn chế nguy cơ khởi phát bệnh tim trong tương lai.
- Phấn đấu để có một lịch trình ngủ ổn định, thiết lập một thời gian cố định để đi ngủ và thức dậy.
- Đặt mục tiêu ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm cho người trưởng thành.
- Dành riêng giường ngủ để nghỉ ngơi.
- Làm cho phòng ngủ trở thành nơi thư giãn, hạn chế các tác nhân gây căng thẳng và phiền nhiễu chẳng hạn như công việc…
- Giảm ánh sáng đèn khi trời sắp tối để báo hiệu cho cơ thể rằng đã đến lúc nghỉ ngơi. Điều này sẽ giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
- Thực hiện “lệnh giới nghiêm kỹ thuật số”, tắt các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ.