Các chuyên gia an toàn thực phẩm cảnh báo thói quen xấu trong bếp có thể khiến bạn ngộ độc thực phẩm dù ăn những thứ tự tay chế biến.
Cho thức ăn vào bất cứ chỗ nào trong tủ lạnh
Ellen Shumaker, tiến sĩ khoa học thực phẩm (Mỹ) cho biết, sắp xếp đồ ăn trong tủ lạnh phải tuân theo quy tắc nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm chéo. Ví dụ, thực phẩm sống có thể chứa mầm bệnh nên không tiếp xúc với thực phẩm ăn liền.
Theo chuyên gia, có một nguyên tắc sắp xếp cần nhớ là bảo quản thực phẩm sống ở ngăn dưới, các thực phẩm ăn liền ở ngăn trên. Quan trọng là phải sử dụng nắp đậy và hộp đựng thích hợp, đồng thời vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để ngăn ngừa bụi bẩn hoặc hơi ẩm tích tụ.
Đồ mới để ngoài, đồ cũ ở trong
Nhiều người có thói quen đặt những thứ thường dùng và mới mua ở ngoài, đẩy thực phẩm cũ vào trong. Tuy nhiên, Martin Bucknavage, người có chuyên môn về an toàn thực phẩm cấp cao của khoa Khoa học thực phẩm, ĐH bang Pennsylvania (Mỹ) cho biết, các nhà hàng thường áp dụng phương pháp “vào trước, ra trước” khi xếp đồ trong tủ lạnh.
“Các sản phẩm cũ nên được sử dụng trước, để đảm bảo mọi thứ đều được dùng và ngăn chặn tình trạng thực phẩm hết hạn treo trong tủ thức ăn, hoàn toàn bị bỏ quên phía sau”, ông nói.
Ảnh minh họa: Huffpost
Nhúng thìa đang nấu để nếm thử
Khi nấu ăn, nếm cho phép bạn biết món mình nấu đã hợp khẩu vị hay chưa. Cả hai chuyên gia Bucknavage và Shumaker đều cho rằng thử nghiệm hương vị được phép trong nhà bếp, nhưng có những quy tắc nghiêm ngặt.
“Ai cũng có thể mang mầm bệnh. Nếm đồ ăn là cách dễ nhất đưa vi khuẩn vào thực phẩm nên phải làm sao để không làm ô nhiễm món ăn”, Shumaker nói.
Chuyên gia khuyên không nên nếm thử thức ăn trong quá trình chuẩn bị và các dụng cụ nếm nên là loại dùng một lần. Ở nhà, bạn có thể nếm món ăn, sau đó bỏ thìa, đũa đó đi, thay vì nhúng tiếp vào nồi nấu.
Rã đông thịt hoặc cá trên quầy
Nhiều người lấy thứ gì đó khỏi tủ đông, để nó trên quầy bếp trong lúc đi làm hoặc chạy việc lặt vặt. Nhưng Bucknavage cho biết, cách làm này có thể làm hư hỏng sản phẩm và tăng sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh nếu có.
Theo Shumaker, quy tắc chung là nhiệt độ thực phẩm chỉ được nằm trong tầm 41 độ F – 135 độ F (5 độ C – 57 độ C) để duy trì thức ăn nóng trong hơn bốn giờ.
Điều chỉnh nhiệt độ không đúng cách
Các chuyên gia cho biết, đảm bảo tủ lạnh có nhiệt độ phù hợp rất quan trọng. Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyên nên để tủ lạnh ở 40 độ F (4,4 độ C) hoặc thấp hơn để thực phẩm an toàn.
Làm khô đồ dùng bằng khăn lau bát đĩa
Làm khô bằng khăn lau bát đĩa có thể làm tái nhiễm bẩn đồ dùng nếu khăn bị nhiễm bẩn. Theo Shumaker, những đồ dùng nhà bếp nên được sấy hoặc phơi khô trong không khí.
Để thú cưng cùng vào bếp
Thú cưng có thể làm ô nhiễm bếp bằng lông, nước dãi và các chất khác chúng tiết ra. Cả chó và mèo đều mang mầm bệnh, có thể lây lan vào thực phẩm.
Nếu nhất định cho phép thú cưng vào bếp, ít nhất hãy rửa tay trước khi cưng nựng chúng và khi chuẩn bị bữa ăn.
Theo VNE