Chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hungary trên mọi mặt, mang lại làn gió mới cho mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời giữa hai nước.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hungary từ ngày 8/9 đến ngày 11/9/2018. (Nguồn: TTXVN) |
Nhận lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu thăm chính thức Hungary từ ngày 18-20/1.
Bề dày lịch sử
Đây là chuyến thăm chính thức Hungary sau 15 năm của Thủ tướng Việt Nam và là chuyến thăm song phương đầu tiên trong năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và cũng là hội đàm cấp Thủ tướng đầu tiên kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện năm 2018. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2025.
Việt Nam-Hungary có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, với bề dày lịch sử hơn 70 năm kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 3/2/1950. Tuy cách xa nhau về địa lý nhưng giữa Việt Nam và Hungary lại có nhiều điểm chung về tinh thần chiến đấu, vượt qua mọi gian khổ của chiến tranh giành độc lập dân tộc.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Nhà nước và nhân dân Hungary đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu cả về vật chất và tinh thần. Trong phong trào “Việt Nam, chúng tôi bên cạnh các bạn!” Hungary đã tổ chức nhiều đợt hiến máu và quyên góp vật chất giúp đỡ nhân dân Việt Nam cũng như tham gia Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, cả hai dân tộc vẫn luôn sát cánh bên nhau, hỗ trợ nhau trong những năm tháng chiến tranh cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước ngày càng tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như giáo dục đào tạo, pháp luật và tư pháp, văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân…
Tin cậy chính trị là nền tảng
Hungary luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Hai nước đã trở thành Đối tác Toàn diện vào tháng 9/2018 nhân chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong những năm gần đây, quan hệ chính trị hai nước ngày càng phát triển sâu sắc hơn trên cơ sở tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy quan hệ hai nước. Trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt cấp cao diễn ra trên tất cả các kênh Đảng, Chính quyền, Quốc hội, địa phương…
Kể từ năm 2014 đến nay, cả Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Hungary đều đã thăm Việt Nam, trong đó nổi bật có: Tổng thống Áder János (tháng 11/2014); Chủ tịch Quốc hội Kover Laszlo (tháng 11/2015); Thủ tướng Viktor Orbán (tháng 9/2017); Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Hungary Márta Mátrai (tháng 1/2022)…
Chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hungary trên mọi lĩnh vực. (Nguồn: VGP) |
Đáp lại tấm thịnh tình của Lãnh đạo Hungrary và để làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đều đã đến thăm Hungary. Trong đó nổi bật là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 9/2018); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (năm 2017); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Hungary Lászlo Kover (tháng 7/2021), thăm chính thức Hungary (tháng 6/2022); Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto gặp gỡ bên lề Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ (tháng 9/2023); Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hungary Bence Tuzon thăm và làm việc Việt Nam (tháng 11/2023)…
Việt Nam và Hungary cũng hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ ASEM. Chính phủ Hungary ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đồng thời Hungary cũng ủng hộ, thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và EU, trong đó có việc ký, phê chuẩn và thực hiện đầy đủ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)…
Việt Nam ủng hộ Hungary vào ECOSOS nhiệm kỳ 2011-2013 theo cơ chế luân phiên của nhóm Đông Âu. Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác Á-Âu (ASEM), Việt Nam ủng hộ sáng kiến của Hungary về vai trò nguồn nước trong chiến lược phát triển khu vực bền vững. Việt Nam cũng sẵn sàng hỗ trợ Hungary tăng cường hợp tác với ASEAN và các nước thành viên Hiệp hội.
Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Quan hệ chính trị tin cậy giữa hai nước là nền tảng cơ bản để thúc đẩy các mối quan hệ khác, nhất là kinh tế-thương mại. Hungary là nước đã tích cực thúc đẩy việc thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và là quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).
Trong nhiều năm qua, hợp tác kinh tế-thương mại song phương có bước đột phá mạnh mẽ. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt 1,1 tỷ USD; năm 2022 đạt hơn 1,2 tỷ USD; năm 2023 đạt 0,85 tỷ USD. Cán cân thương mại giữa hai nước đang dần cân bằng hơn.
Hai nước đặt mục tiêu đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, tận dụng các cơ hội do Hiệp định EVFTA mang lại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hungary tăng 10%/năm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới thăm hỏi, động viên cán bộ nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Hungary trong chuyến thăm Hungary, tháng 6/2022. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary) |
Theo Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo, mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng tốt trong thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hungary chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Việt Nam là nước đang phát triển, ngày càng cần nhiều sản phẩm máy móc, thiết bị hiện đại, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Đồng thời, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, hải sản, dệt may, giầy dép, linh kiện điện tử… Do vậy, hai bên có thể tăng cường trao đổi thương mại để khai thác những thế mạnh của nhau và bổ sung hàng hóa thiếu hụt trên thị trường của mỗi nước do không có điều kiện để sản xuất.
Về đầu tư, đến hết 2023, Hungary đứng thứ 52/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 21 dự án, tổng vốn đăng ký là 72,26 triệu USD.
Hungary coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách hỗ trợ phát triển quốc tế của mình. Một số dự án sử dụng vốn vay ODA của Hungary đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho Việt Nam như Dự án xây dựng hệ thống quản lý dân cư, Dự án cấp nước sinh hoạt huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình…
Hợp tác lao động là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước. Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 1.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại các nhà máy, công ty tại Hungary trong các ngành nghề như trồng nấm, chế biến thực phẩm, xây dựng…
Giáo dục-đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước. Trong 4 thập kỷ 1950-1989, Hungary đã hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam gần 4.000 tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, nhiều người đã và đang giữ những vị trí quan trọng tại Việt Nam. Hungary là nước cấp học bổng nhiều nhất cho sinh viên Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu.
Từ năm 2018, Chính phủ Hungary đã nâng số học bổng dành cho Việt Nam lên 200 suất mỗi năm ở tất cả các trình độ đào tạo và lĩnh vực Hungary có thế mạnh như y, dược, nông nghiệp, công nghệ, công nghệ thông tin, kinh tế, luật, âm nhạc…
Hội Hữu nghị Hungary-Việt Nam đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và quảng bá về Việt Nam tại Hungary. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary) |
Hội Hữu nghị Hungary-Việt Nam đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và quảng bá về Việt Nam tại Hungary. Cộng đồng người Việt tại Hungary hiện có khoảng 6.000 người, hội nhập tốt và có uy tín tại nước sở tại, dưới sự lãnh đạo của Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary luôn có nhiều hoạt động tích cực, hướng về quê hương đất nước, quảng bá văn hóa, truyền thống Việt Nam.
Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có những bước phát triển tích cực như thế, chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hungary, nhất là về kinh tế, giáo dục-đào tạo, công nghệ dược phẩm…
Đồng thời, trong bối cảnh Hungary sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) 6 tháng cuối năm 2024, chuyến thăm Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tăng cường phối hợp với EU trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, cùng chung tay góp sức hóa giải các thách thức, mang lại những kết quả thiết thực, hiệu quả, cho lợi ích của nhân dân hai nước, hòa bình, ổn định ở mỗi nước, khu vực và thế giới.
Với những kỳ vọng hoàn toàn có cơ sở như thế, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, Chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngay những ngày đầu năm mới 2024, sẽ tiếp tục góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hungary trên mọi lĩnh vực.