Rời ngân hàng, dòng tiền sẽ chảy vào đâu?
Theo đội ngũ nghiên cứu và phân tích từ CTCP FIDT, thị trường chứng khoán tháng 3 vẫn có triển vọng tích cực. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường sẽ bị ảnh hưởng do các ngành vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản dân sinh, bất động sản khu công nghiệp… đang có dự phóng giảm điểm.
“Dòng tiền sẽ có sự luân chuyển từ ngành ngân hàng sang bất động sản trong thời gian tới. Yếu tố lãi suất tuy đã có dấu hiệu tăng trở lại trong thời gian gần đây nhưng vẫn đang ở mức rẻ. Kỳ vọng, nền lãi suất tốt sẽ giúp nguồn vốn thẩm thấu vào ngành bất động sản đặc biệt là bất động sản dân sinh. Từ đó, giúp triển vọng ngành thép trở nên sáng sủa hơn.
Bên cạnh đó, ngành chứng khoán cũng đang trong trạng thái định giá tương đối rẻ. Dòng tiền trong trạng thái luân chuyển kỳ vọng sẽ có đảo qua ngành chứng khoán. Hiệu ứng của KRX và nâng hạng chứng khoán là vẫn còn, tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư giúp ngành chứng khoán trở nên hấp dẫn” – FIDT cho biết.
Cũng theo FIDT, thị trường tháng 3 sẽ đối diện sự hoài nghi nhiều hơn. Thứ nhất là bức tranh nền kinh tế vẫn chưa thực sự rõ ràng và triển vọng phục hồi có thực sự xác nhận trong kết quả GDP quý I sắp tới vẫn là điều nhà đầu tư cần theo dõi.
Thứ hai là thị trường đã tăng một nhịp khá dài và cần một nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Qua đó dòng tiền có thể luân chuyển sang nhóm ngành khác sau khi động lực kéo thị trường từ nhóm ngân hàng đã dần hạ nhiệt.
Bán bớt các cổ phiếu đã tăng nóng để tìm cơ hội mới
Dự báo trong tháng này, FIDT cho biết nhiều khả năng thị trường có thể xảy ra nhịp điều chỉnh kỹ thuật. Phản ứng trước những nhịp điều chỉnh là cơ hội tốt cho nhà đầu tư có thể tích luỹ thêm các cổ phiếu tiềm năng để đón chờ nhịp tăng tiếp theo của VN-Index.
“Dòng tiền trong giai đoạn sắp tới sẽ có sự luân chuyển sang các ngành, cổ phiếu có câu chuyện hồi phục trong kết quả kinh doanh như nhóm xuất khẩu, bất động sản, bán lẻ…” – FIDT đưa ra dự báo.
Theo đó, với nhà đầu tư đang có tỉ trọng cổ phiếu cao (lớn hơn 70%), thời điểm hiện tại là cơ hội để cơ cấu lại danh mục, giảm dần tỉ trọng các cổ phiếu đã tăng nóng trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời, gia tăng các cổ phiếu có câu chuyện hồi phục vẫn còn nằm trong nền giá hoặc chưa tăng quá nhiều để đảm bảo vị thế an toàn.
Ngoài ra, nhà đầu tư đang có tỉ trọng cổ phiếu thấp (nhỏ hơn 70%) có thể tự tin mở mua các cổ phiếu có câu chuyện hồi phục vẫn còn nằm trong nền giá hoặc chưa tăng quá nhiều. Đồng thời, mạnh dạn gia tăng tỉ trọng trong các nhịp điều chỉnh chung của thị trường.
Đối với việc lướt sóng, nhà đầu tư có thể giao dịch ngắn hạn trong biên độ dao động và không nên mua đuổi trong các đợt chỉ số tăng mạnh. Bên cạnh đó có thể dũng cảm mở mua khi thị trường điều chỉnh về vùng dưới của biên. Tránh sử dụng margin mạnh khi điều kiện biến động ngắn hạn rất cao, khó đoán định.