TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Cuộc đua vào không gian thế kỷ 21 đang được các quốc gia trên thế giới triển khai bằng các bước hiện diện bên ngoài Trái đất. Trong quá trình này, các vệ tinh do thám đóng vai trò ngày càng quan trọng, cung cấp các nguồn lực và công cụ cần thiết để thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia cũng như giúp các nước theo dõi sự phát triển quân sự và chính trị ở các quốc gia khác.
Hình ảnh vệ tinh do hãng Maxar Technologies (Mỹ) công bố hồi tháng 4 năm ngoái cho thấy các tòa nhà bốc cháy ở phía Đông Mariupol (Ukraine). Ảnh: AFP
Thật ra, việc sử dụng các vệ tinh do thám không phải là hiện tượng mới. Vệ tinh do thám đầu tiên trên thế giới được Mỹ phóng lên quỹ đạo hồi năm 1960, mở đường cho sự bùng nổ công nghệ do thám ngoài không gian. Với tên gọi Corona, vệ tinh này được Mỹ thiết kế để chụp ảnh Liên Xô và các nước khác. Những hình ảnh này sau đó được sử dụng để xác định căn cứ quân sự và mục tiêu chiến lược khác. Về phần mình, Liên Xô cũng phát triển chương trình vệ tinh do thám của riêng mình gọi là Zenit. Nó được sử dụng để thu thập dữ liệu về các căn cứ quân sự của Mỹ và các mục tiêu chiến lược khác. Mặt khác, Mỹ và Liên Xô còn sử dụng vệ tinh do thám để thu thập thông tin về các vụ phóng thử tên lửa và các cuộc tập trận quân sự.
Các vệ tinh do thám đã chứng tỏ là công cụ có giá trị trong Chiến tranh Lạnh, cho phép cả Mỹ và Liên Xô thu thập thông tin tình báo và theo dõi các hoạt động của nhau mà không bị phát hiện, đồng thời là nhân tố chính trong các chiến thuật gián điệp của cả hai. Kể từ đó, công nghệ được sử dụng để phát triển vệ tinh do thám liên tục được phát triển. Ngày nay, các vệ tinh do thám hiện đại có thể chụp những bức ảnh có độ phân giải cao từ hàng trăm dặm. Chúng cũng được trang bị nhiều loại cảm biến có thể phát hiện tín hiệu hồng ngoại, theo dõi thông tin liên lạc và đo chuyển động của mặt đất. Nhờ đó, các vệ tinh do thám cũng được sử dụng để phát hiện tên lửa, theo dõi máy bay, giám sát hoạt động hàng hải cũng như các tuyến đường vận chuyển.
Loại hình chạy đua không gian mới
Những năm gần đây, việc sử dụng vệ tinh do thám ngày càng trở nên phổ biến. Các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ đều sử dụng loại vệ tinh này để thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia, từ đó tạo ra một loại hình chạy đua không gian mới trong bối cảnh các nước cạnh tranh giành ưu thế trong việc thu thập thông tin tình báo.
Đáng chú ý, Mỹ đã phát triển và triển khai các vệ tinh do thám tiên tiến có khả năng cung cấp hình ảnh và dữ liệu liên lạc một cách chi tiết. Công nghệ này đã có tác động đáng kể đến cách thức hoạt động của quân đội Mỹ, mang lại cho Washington lợi thế khác biệt trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như các mối đe dọa khác. Được thiết kế để thu thập thông tin tình báo từ các quốc gia và thực thể trên khắp thế giới, vệ tinh do thám có thể chụp ảnh mục tiêu từ nhiều góc độ và ở các độ phân giải khác nhau, mang lại cho quân đội Mỹ độ chi tiết cũng như độ chính xác chưa từng có. Mặt khác, các vệ tinh do thám cũng có thể ngăn chặn các tín hiệu liên lạc, cho phép quân đội Mỹ hiểu rõ hơn về các hoạt động của các thế lực thù địch.
Ngoài việc cung cấp thông tin tình báo chi tiết cho các lực lượng quân sự, vệ tinh do thám còn giúp các nhánh của quân đội Mỹ phối hợp và liên lạc tốt hơn, qua đó cho phép Washington phản ứng hiệu quả hơn với các mối đe dọa tiềm ẩn, từ đó Mỹ có thể triển khai các nguồn lực và nhân sự một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Mỹ có thể sử dụng vệ tinh do thám để theo dõi hoạt động của các quốc gia và thực thể khác, giúp nước này hiểu rõ hơn về các chiến lược và hoạt động của họ. Thông tin này sau đó có thể được dùng để phát triển các chiến lược nhằm chống lại hoặc phá vỡ các hoạt động đó. Cuối cùng, vệ tinh do thám đóng vai trò là công cụ giữ an toàn cho Mỹ trước các cuộc tấn công khủng bố, bằng cách cung cấp cho Washington thông tin tình báo theo thời gian thực, giúp nước này ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa. Đặc biệt, việc sử dụng các vệ tinh do thám giúp Mỹ hiểu rõ hơn về các mạng lưới và chiến thuật khủng bố tiềm năng, cho phép nước này chuẩn bị tốt hơn và có cơ hội thành công cao hơn trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào.
Như đã nói, Mỹ là nước đầu tiên phóng vệ tinh do thám và ngày nay, nước này có nhiều vệ tinh do thám quân sự nhất trên quỹ đạo Trái đất (123 vệ tinh). Tuy nhiên, Liên Xô (cũ) mới là nước đầu tiên đưa vệ tinh lên không gian năm 1957 cho mục đích viễn thông. Đó là vệ tinh lừng danh Sputnik. Nước Nga ngày nay có cả thảy 108 vệ tinh quân sự mà phần lớn được phóng từ thời Liên Xô. Nga có kế hoạch phóng nhiều hơn vệ tinh quân sự nhưng đang gặp nhiều khó khăn vì vấn đề kinh phí. Do đó, trong những năm qua, quân đội Nga được cho phụ thuộc vào vệ tinh dân sự phục vụ mục tiêu do thám.
Ngoài được sử dụng để thu thập dữ liệu tình báo từ các địa điểm xa xôi trên khắp thế giới, vệ tinh do thám có thể giúp cảnh báo cho các nước và tổ chức quốc tế về các cuộc tấn công mạng tiềm ẩn, cho phép họ thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ hệ thống của mình. Vệ tinh do thám cũng được sử dụng để phát hiện phần mềm độc hại, giúp ngăn chặn các cuộc tấn công mạng trước khi nó trở thành một vấn đề lớn.