Những mẫu robot tiên tiến trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) đang được kỳ vọng trở thành trợ thủ đắc lực phục vụ con người trong xã hội hiện đại.
Những robot có trí tuệ nhân tạo xuất hiện ngày càng nhiều trong thực tế đời sống. (Nguồn: Stable Diffusion Online) |
Robot tích hợp AI
Mới đây, một công ty công nghệ có trụ sở tại Na Uy đã cho ra mắt robot hình người được công nghệ AI hỗ trợ, chuyên giúp việc gia đình hàng ngày, với khả năng di chuyển, tương tác và thực hiện nhiệm vụ giống như người.
Robot mang tên NEO, cao 1m65, nặng gần 30kg, có thể đi bộ với tốc độ 4km/h và chạy với tốc độ 12km/h. Robot có khả năng mang vật nặng gần 20kg và có thể hoạt động từ hai đến bốn giờ sau mỗi lần sạc.
NEO được tích hợp công nghệ AI để hiểu sâu hơn về môi trường xung quanh, nhờ sự kết hợp giữa các giác quan và cơ thể vật lý.
NEO có khả năng liên tục học hỏi và cải thiện các tính năng, biết cách xử lý các vật phẩm dễ vỡ, tương tác tốt với con người.
Những người có niềm tin tích cực vào AI hy vọng, công nghệ tiên tiến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhiệm vụ và công việc được giải quyết thông qua tự động hóa.
Xây dựng năng lực AI
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các công cụ tích hợp AI vào các robot, nhiều nhà khoa học lo ngại, công nghệ này có thể làm gia tăng các vụ vi phạm quyền riêng tư của con người. Nhằm ứng phó với những rủi ro mà AI có thể gây ra cho con người, nhiều quốc gia bắt đầu cân nhắc đưa ra các kế hoạch để quản lý tốt hơn việc truy cập dữ liệu cá nhân người dùng từ AI.
Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất các biện pháp quản lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân và thông báo cho người dùng về việc AI sử dụng thông tin. Khối này cũng đang hoàn thành Bộ quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) và có kế hoạch bổ sung Bộ quy tắc hài hòa về việc sử dụng AI, khi công nghệ này ngày càng phổ biến với con người.
Vận hành và quản lý AI cũng là trọng tâm chính tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới tại Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 7/2024.
Với chủ đề “Quản lý AI vì lợi ích và cho tất cả”, Hội nghị tập trung thảo luận ba nội dung chính: Công nghệ cốt lõi, thiết bị đầu cuối thông minh và trao quyền cho ứng dụng. Ông Seizo Onoe, Giám đốc Cục Tiêu chuẩn Viễn thông, thuộc Liên minh Viễn thông quốc tế cho biết: “Việc xây dựng năng lực AI rất quan trọng. Liên minh Viễn thông quốc tế chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận rằng, không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng AI. Điều đó nghĩa là chúng ta cần phát triển năng lực này cho các nước đang phát triển”.
Các doanh nghiệp tham gia đã mang tới Hội nghị những sản phẩm và giải pháp AI mới nhất. Hơn 40 mẫu robot thông minh được “trình làng”, nhiều nhất từ trước tới nay, trong đó, có 25 robot hình người được Ban tổ chức dành riêng một khu vực đặc biệt.
Một số sản phẩm robot gây ấn tượng phải kể đến robot Optimus Gen2 của hãng Tesla, hay robot Healthy Loong có khả năng mô phỏng các chuyển động của con người và sử dụng mã nguồn mở, giúp cho robot không ngừng được cập nhật và học tập các kỹ năng mới.
Điểm đến đầu tư tiềm năng
Tại Việt Nam, năm 2020, nhà khoa học, chuyên gia về AI Phạm Thành Nam cùng cộng sự Phạm Minh Toàn đã cho ra mắt robot AI có tên Trí Nhân. Đây là robot AI đầu tiên của Việt Nam, thuộc dòng robot cao cấp với các đặc điểm giống con người.
Theo chuyên gia Phạm Thành Nam, Trí Nhân hội tụ rất nhiều công nghệ tiêu biểu của cách mạng công nghiệp 4.0 gồm AI, dữ liệu lớn (Big data), vạn vật kết nối, điện toán đám mây, in 3D, chuỗi khối, thực tại ảo, thực tại tăng cường, siêu máy tính, tin sinh học.
Việc Việt Nam cho ra mắt robot hình người Trí Nhân dựa trên AI đã truyền cảm hứng và tạo động lực rất lớn, đánh dấu một bước phát triển mới trong khoa học công nghệ.
Tháng 3/2024, Công ty CP Công nghệ và Phát triển Anan cũng cho ra mắt robot nhận diện tính cách qua việc phân tích khuôn mặt bằng camera trí tuệ nhân tạo mang tên Anbi. Đây là một phần trong hệ sinh thái robot AI được các lập trình viên của Anan ấp ủ nghiên cứu nhiều năm qua. Được lấy cảm hứng từ tên nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An, Anbi là một công cụ thông minh, dựa trên Big Data và AI, có khả năng tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên, hiểu và phản hồi một cách chính xác các cuộc đối thoại bằng tiếng Việt – tất cả trong thời gian thực và với sự linh hoạt cao. Nổi bật với khả năng hiểu được hơn 80% nội dung trò chuyện, Anan có thể tự động nhận diện và phản hồi ý định của người dùng mà không cần dựa vào một kịch bản cố định.
Hiện Anan đã đưa công nghệ AI đến với rất nhiều tổ chức và sự kiện như: Khám phá tri thức với giáo viên AI tại hệ thống trường tiểu học và trung học cơ sở Vinschool; Ngày hội khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất 2023; Ngày hội Toán học Khoa học-công nghệ 2024, dạy và học trong kỷ nguyên AI tại trường trung học Vinschool Ocean Park… Những phản hồi tích cực với robot AI đang mở ra tiềm năng ứng dụng lớn cho lĩnh vực này ở Việt Nam.
Còn theo Tiến sĩ Andrew Ng, nhà khoa học nằm trong top 100 chuyên gia về AI của thế giới, ông hết sức lạc quan về tương lai của Việt Nam nói chung và tương lai của công nghệ AI tại Việt Nam nói riêng. Theo ông Andrew Ng, Việt Nam là điểm đến đầu tư AI rất tiềm năng.
Rõ ràng, AI đang góp phần thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hứa hẹn mang lại những tiềm năng không giới hạn trong tương lai. Tuy nhiên, đối mặt với lợi ích và tác hại của AI, chúng ta cần sử dụng công nghệ này một cách đúng đắn và có trách nhiệm.
Bằng cách áp dụng AI một cách có chủ đích, chúng ta mới có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của công nghệ, góp phần vào sự tiến bộ và phát triển bền vững của xã hội loài người trong tương lai.