Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, quá trình phục hồi không dễ dàng và nhiều khả năng tái phát kể cả sau khi điều trị thành công.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Bùi Huy Cận, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3.
Định nghĩa
– Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là nhân nhầy đĩa đệm thoát khỏi vị trí bình thường do đứt rách vòng sợi.
– Hướng của thoát vị đĩa đệm có thể ra sau, lệch bên, vào lỗ ghép gây chèn ép rễ, dây thần kinh vùng cột sống cổ.
Nguyên nhân
– Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể phát triển bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như:
* Thoái hóa đĩa đệm theo thời gian.
* Chấn thương tác động trực tiếp lên cột sống.
* Tư thế không đúng khi ngồi, nằm hoặc làm việc.
* Chuyển động đột ngột cột sống cổ.
* Di truyền.
* Lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như ít rèn luyện thể chất, ăn uống thiếu dinh dưỡng, thói quen hút thuốc lá…
– Ngoài ra, đôi khi, rối loạn mô liên kết hoặc cột sống dị tật cũng góp phần dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Ai thường mắc bệnh?
– Bệnh có xu hướng phổ biến ở nam giới hơn.
– Thường gặp ở độ tuổi 35-55.
Triệu chứng
– Đột ngột cổ đau và căng cứng bên phải hoặc trái hoặc phía sau. Có thể đau nhẹ, vừa hoặc dữ dội.
– Những khu vực xung quanh cũng có thể nhanh chóng bị ảnh hưởng như bả vai, cánh tay, đầu, đặc biệt là phía sau đầu và hốc mắt.
– Kèm theo cảm giác đau tê ở tứ chi, thường là ở cánh tay – bàn tay – ngón tay.
– Trong trường hợp tủy sống bị chèn bởi đĩa đệm thoát vị, cảm giác đau tê xuất phát từ cổ rồi mau chóng lan đến tứ chi. Thậm chí, toàn thân cũng có thể chịu ảnh hưởng.
Chẩn đoán
Dựa vào kết quả chụp MRI cột sống cổ, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ cho biết chính xác vị trí, tính chất, mức độ và tiên lượng tổn thương mà người bệnh mắc phải.
Biến chứng
Người bệnh chủ quan dẫn đến việc điều trị chậm trễ, có nguy cơ phát sinh hàng loạt biến chứng nghiêm trọng. Đầu tiên, rõ ràng nhất là hẹp ống sống cổ dẫn đến thiếu máu não và hội chứng chèn ép tủy. Nếu chèn ép tủy nặng sẽ có nguy cơ dẫn đến liệt tứ chi vĩnh viễn.
Điều trị
– Y học hiện đại
* Có thể dùng các loại thuốc kháng viêm giảm đau thông thường có tác dụng điều trị hiệu quả tức thời, nhưng hạn chế là không dùng được lâu dài, gây một số tác dụng phục trên đường tiêu hóa.
* Nếu bệnh tiến triển nghiêm trọng, có thể cần phẫu thuật để chấm dứt tình trạng trên. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ 5% trường hợp người bệnh thực sự cần đến phẫu thuật.
– Y học cổ truyền
* Thường dùng các vị thuốc có tác dụng ôn kinh thông lạc, hành khí hoạt huyết, khu phong tán hàn trừ thấp, bổ can thận như lá lốt, quế chi, cỏ xước, sài đất, sinh địa, cà gai leo, thiên niên kiện, thổ phục linh, hà thủ ô…
* Châm cứu và các phương pháp điều trị khác như cấy chỉ, laser châm, nhĩ châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, vật lý trị liệu (hồng ngoại, túi chườm thảo dược)… phối hợp thuốc thang làm tăng hiệu quả điều trị bệnh.
Phòng ngừa
– Trong lao động chân tay, cần chú ý không đội vật nặng trên đầu, vác trên vai trọng lượng lớn.
– Điều trị kịp thời các bệnh thoái hóa cột sống cổ.
– Thay đổi thói quen xấu trong sinh hoạt, công việc, học tập và các hoạt động thể dục thể thao.
– Tránh những động tác gập cổ, ưỡn cổ hoặc xoay cổ đột ngột hoặc quá mức kéo dài.
– Thực hiện các bài tập vận động cột sống cổ thích hợp để tăng cường sự dẻo dai.
Mỹ Ý