Du lịch cộng đồng còn là động lực để A Lưới phát triển mạnh mẽ trong tương lai |
Điểm sáng du lịch cộng đồng
Nhắc đến du lịch cộng đồng A Lưới, không thể bỏ qua Làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim) - sản phẩm OCOP 3 sao, nổi bật với những nét văn hóa dân tộc và sản vật đặc trưng. Theo ông Hoàng Thanh Duy, Giám đốc HTX Du lịch sinh thái A Nôr, HTX hiện có 90 thành viên, chủ yếu là đồng bào Pa Cô. Trước kia, bà con chủ yếu làm nông, nay vừa canh tác vừa làm du lịch, giúp tăng thu nhập bình quân khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Ngoài cung cấp dịch vụ lưu trú homestay, HTX còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm đậm bản sắc như tham gia lễ hội truyền thống, giao lưu văn hóa, thưởng thức ẩm thực bản địa, xông hơi thảo dược, tắm suối nước nóng tự nhiên... HTX kết hợp với doanh nghiệp lữ hành tổ chức đón các đoàn khách nhằm gia tăng nguồn thu. HTX cũng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, như cải tạo đường vào làng, xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái bằng nhà sàn, tạo không gian sạch, đẹp để thu hút khách du lịch. Các thành viên trong HTX được tập huấn về kỹ năng hướng dẫn viên du lịch, phục vụ ẩm thực và nghệ thuật biểu diễn để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện A Lưới, nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích HTX kết hợp giữ gìn văn hóa bản địa với phát triển kinh tế. Du lịch cộng đồng giúp mang lại thu nhập cho người dân bản địa, đồng thời lan tỏa văn hóa địa phương ra xa hơn. Bà con tích cực tham gia mô hình du lịch cộng đồng đã giúp A Lưới ngày càng được nhiều người biết đến”.
HTX Thổ Cẩm Xanh Aza Koonh do Nghệ nhân Mai Thị Hợp sáng lập đã lan tỏa nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi, thu hút du khách vừa tìm hiểu văn hóa, vừa mua sắm sản phẩm. Trung bình mỗi tấm vải zèng bán từ 300.000 - 600.000 đồng; mỗi sản phẩm cao cấp gần 2 triệu đồng, giúp đảm bảo thu nhập cho hơn 100 lao động. HTX còn tạo ra các sản phẩm sáng tạo như quần áo, túi xách, khăn choàng, áo dài và các phụ kiện, quà lưu niệm từ vải zèng, phù hợp với thị hiếu hiện đại.
Theo Nghệ nhân Mai Thị Hợp, việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là “chìa khóa” để nghề dệt zèng phát triển bền vững. "Chúng tôi sáng tạo thêm các thiết kế phù hợp với thị hiếu hiện đại, đồng thời tổ chức các buổi giới thiệu nghề dệt để du khách hiểu và trân quý hơn giá trị văn hóa. Nhờ đó, nghề dệt vừa được bảo tồn, vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ trong vùng”, bà Hợp chia sẻ.
HTX cũng tích cực quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ, các chương trình triển lãm và kết hợp với các công ty du lịch để đưa du khách đến tham quan xưởng dệt. Đó không chỉ là cách để giới thiệu nghề truyền thống với du khách, kích thích sức mua sản phẩm mà còn là cách để nâng cao giá trị sản phẩm zèng trên thị trường.
Tăng giá trị sản phẩm bản địa
Ngoài du lịch văn hóa, các HTX ở A Lưới còn đẩy mạnh phát triển nông sản địa phương, như: chuối già lùn VietGAP, sâm Bố Chính, cá tầm, nông sản sạch... Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Huyện tập trung hỗ trợ các HTX, địa phương nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tăng tính kết nối giữa du lịch và tiêu thụ nông sản, góp phần giúp bà con tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Ngoài việc khuyến khích bà con trồng các loại cây dược liệu, huyện còn tìm kiếm đầu ra ổn định thông qua kết nối với doanh nghiệp, nhà phân phối. Khi có thị trường tiêu thụ bền vững, bà con sẽ yên tâm sản xuất. Từ đó, nâng cao thu nhập và góp phần phát triển du lịch xanh, bền vững cho địa phương”.
Hiện nay, huyện A Lưới cũng đã có kế hoạch mở rộng các tuyến du lịch kết nối với các địa phương lân cận; đồng thời, kêu gọi đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Với những nỗ lực này, du lịch cộng đồng không chỉ là hướng đi giúp thoát nghèo mà còn là động lực để A Lưới phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/thoat-ngheo-nho-phat-trien-du-lich-cong-dong-152510.html
Bình luận (0)