Cột sống của con người kéo dài từ hộp sọ đến xương chậu, giữ vai trò giống như trục đỡ cơ thể, bảo vệ dây thần kinh cột sống và giúp cơ thể hoạt động linh hoạt. Cột sống được cấu tạo từ nhiều đốt xương xếp chồng lên nhau, ở giữa ở những lớp đệm được gọi là đĩa đệm. Thoái hóa cột sống lưng là hậu quả của quá trình lão hóa cột sống, gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Thoái hóa cột sống lưng có thể do nhiều nguyên nhân. Ảnh minh họa: Internet
Theo thống kê, thoái hóa cột sống lưng chiếm tới 31% các trường hợp bị thoái hóa khớp. Các dây thần kinh tại lưng chi phối hoạt động cho toàn bộ vùng thân dưới bao gồm mông, chân, cơ quan bàng quang, hậu môn,… Thoái hóa cột sống thắt lưng là nguyên nhân hàng đầu gây chèn ép các dây thần kinh này (đặc biệt là dây thần kinh tọa).
Trong trường hợp bị chèn ép nặng, người bệnh có thể bị mất kiểm soát đại tiểu tiện, liệt chân,… rất nguy hiểm và lúc này buộc phải can thiệp phẫu thuật giải phóng dây thần kinh kịp thời.
1. Nguyên nhân nào gây thoái hóa cột sống lưng?
Tìm hiểu nguyên nhân gây thoái hóa cột sống lưng giúp mỗi chúng ta chủ động hơn trong phòng ngừa bệnh cũng như làm chậm diễn tiến bệnh.
Thực tế có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng đến thoái hóa cột sống lưng, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
1.1. Hậu quả của thoái hóa tự nhiên
Theo thời gian, khi cột sống chịu áp lực lớn từ tư thế đứng thẳng và các hoạt động hằng ngày, cột sống cũng bị lão hóa. Theo nghiên cứu, quá trình thoái hóa cột sống diễn ra nhanh hơn bắt đầu từ tuổi 30 trở đi, tốc độ lão hóa ở mỗi người là khác nhau, tùy theo chế độ ăn uống, sức khỏe, tập luyện,… Do đó, càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc thoái hóa cột sống lưng càng cao, nhất là khi thiếu canxi cung cấp cho xương.
1.2. Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng
Chế độ ăn uống kém gây ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung và xương khớp nói riêng, đây cũng là nguyên nhân làm đẩy nhanh quá trình lão hóa gây thoái hóa cột sống lưng. Chế độ ăn không tốt cho cột sống và xương khớp là chế độ ăn thiếu magie, canxi và vitamin.
Những người hấp thụ quá nhiều thực phẩm chứa protein, phosphor, muối nhưng lại thiếu canxi và các vitamin dễ bị thoái hóa cột sống lưng hơn những người có chế độ dinh dưỡng cân bằng.
1.3. Do chấn thương
Thoái hóa cột sống lưng có thể là hậu quả của chấn thương do tai nạn, các môn thể thao hay lao động gây ra.
1.4. Do thói quen công việc
Thoái hóa cột sống lưng phổ biến hơn ở những người làm công việc nặng nhọc phải bê vác thường xuyên hoặc người làm văn phòng ngồi lâu một tư thế trước máy tính. Ngoài ra, những người làm công việc như nha sĩ, thợ sơn, thợ cắt tóc cũng có nguy cơ thoái hóa cột sống lưng cao hơn do phải cúi, ngửa cổ nhiều.
1.5. Do mắc bệnh lý xương khớp
Các bệnh lý có thể làm tổn thương xương khớp cột sống như viêm khớp, đau lưng, viêm xương, gai cột sống, bệnh gout, tiểu đường, thoát vị đĩa đệm,… làm tăng nguy cơ tiến triển của thoái hóa cột sống lưng.
1.6. Béo phì
Cân nặng lớn làm tăng áp lực cho cột sống, theo thời gian sẽ làm suy yếu, tổn thương sụn khớp, mất tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chằng bao khớp… Đây là nguyên nhân khiến hầu hết người béo phì đều gặp phải bệnh lý xương khớp, trong đó có thoái hóa cột sống lưng sớm.
Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống lưng ở mỗi bệnh nhân có thể là khác nhau, đôi khi do kết hợp của nhiều nguyên nhân cùng lúc. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ phỏng vấn để tìm ra những thói quen hay tính chất công việc nguy cơ cao gây ra bệnh lý.
Tập luyện thể thao đúng cách giúp xương khớp chắc khỏe. Ảnh: C.K
2. Biện pháp phòng ngừa thoái hóa cột sống lưng
Dựa trên nguyên nhân gây thoái hóa cột sống lưng có thể thấy, đây là căn bệnh khó tránh khỏi với người cao tuổi khi cơ thể ngày càng già đi. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể làm chậm quá trình thoái hóa, ngăn ngừa bệnh ở người trẻ và giảm triệu chứng ở người già bằng các biện pháp phòng ngừa như sau:
2.1. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng tốt góp phần không nhỏ để duy trì sức khỏe nói chung và sức mạnh xương khớp nói riêng, do đó đây là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa thoái hóa cột sống lưng. Chế độ dinh dưỡng phù hợp tốt cho xương khớp cần lưu ý: Nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng nuôi dưỡng xương khớp như vitamin D, canxi có trong trứng, sữa, các loại hạt,…
Thực phẩm nhiều omega-3, chondroitin, glucosamine,… có trong sụn động vật, cá biển, gân,… để ngăn ngừa yếu tố phá hủy sụn khớp. Tăng cường các loại rau củ quả, trái cây giàu vitamin C để cung cấp chất chống oxy hóa cho cơ thể, chống viêm, tăng sức đề kháng.
Hạn chế ăn quá nhiều các loại thịt đỏ, thực phẩm cay nóng, đồ ăn nhanh, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ uống có ga, có cồn,…
2.2. Thay đổi tư thế sinh hoạt lành mạnh
Bao gồm cả tư thế học tập, làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, khuân vác vật nặng,… đều cần điều chỉnh tốt cho cột sống, làm chậm quá trình lão hóa. Tư thế khi đứng, ngồi đều nên thẳng lưng, vừa giúp bạn thoải mái vừa có tính thẩm mỹ cao.
Khi khuân vác vật nặng, nên dùng công cụ hỗ trợ hoặc sự hỗ trợ của người khác, tránh tải trọng quá lớn làm tổn thương cột sống. Nên vận động đi lại sau khoảng 1 tiếng làm việc liên tục với máy tính, đi lại, xoa bóp các xương khớp đều rất tốt. Đảm bảo duy trì giấc ngủ từ 7 – 8 giờ mỗi ngày, quản lý tốt stress và căng thẳng.
2.3. Tăng cường các hoạt động thể chất
Rèn luyện thể thao thường xuyên giúp tăng sức khỏe, độ bền chắc cho hệ xương khớp nên cần duy trì. Bạn có thể chọn cho mình một số môn thể thao yêu thích và duy trì đều đặn hằng tuần như: bơi lội, đạp xe, đi bộ, yoga, dưỡng sinh,…
TRÚC LY (T.H)
Những triệu chứng điển hình
– Đau âm ỉ kéo dài hoặc dữ dội vùng thắt lưng.
– Cơn đau, tê bì lan xuống mông đến mặt sau của đùi và đến bàn ngón chân (theo đường đi của dây thần kinh tọa), khó cúi, xoay người,…
– Đau đến mức nằm không lật được người.
– Ngủ dậy lưng đau, tê cứng khó ngồi dậy.
– Đau nhiều hơn khi vận động nặng hoặc cúi sâu.
– Một số trường hợp có tiếng kêu răng rắc, lục cục tại lưng khi cử động.