Theo 10 nguồn tin thân cận với vòng đàm phán do Mỹ làm trung gian kết thúc vào tuần trước, những bất đồng bắt nguồn từ các yêu cầu mà Israel đưa ra sau khi Hamas chấp nhận một phiên bản đề xuất ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố vào tháng 5.
Hamas đặc biệt quan ngại về yêu cầu mới nhất của Israel về việc tiếp tục triển khai quân đội dọc theo Hành lang Netzarim, một dải đất mà Israel đã thiết lập ở Dải Gaza trong cuộc xung đột Israel – Hamas, ngăn cản người Palestine tự do di chuyển giữa bắc và nam Gaza, cũng như tại một dải biên giới hẹp giữa Gaza và Ai Cập được gọi là Hành lang Philadelphi.
Quyền kiểm soát hiện tại của Israel đối với Hành lang Philadelphi giúp nước này kiểm soát được biên giới của Gaza với Ai Cập, cửa khẩu duy nhất của vùng đất này không giáp với Israel.
Theo một nguồn tin, Hamas coi Israel đã thay đổi các điều kiện “vào phút chót” và lo ngại bất kỳ nhượng bộ nào mà Israel đưa ra cũng sẽ yêu cầu nhiều đáp ứng hơn. Tuần trước, văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phủ nhận việc đưa ra các yêu cầu mới, nói rằng lập trường của họ dựa trên đề xuất trước đó.
Nguồn tin cho biết Hamas và một số nhà trung gian coi đây là động thái của Israel nhằm hủy bỏ cam kết trước đó về việc rút khỏi Hành lang Netzarim và cho phép tự do di chuyển bên trong Gaza.
Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra tại Cairo (Ai Cập) trong những ngày tới, xoay quanh đề xuất bắc cầu của Mỹ. Hai quan chức Hamas cho biết đề xuất của Mỹ bao gồm một số thay đổi mà Israel phản đối, như cho phép “Israel tiếp tục hiện diện quân sự” dọc theo các cửa khẩu và thả một số tù nhân Palestine để đổi lấy con tin.
Quan chức này cho biết đề xuất này bao gồm “những lợi ích to lớn và tức thời” cho người dân Gaza và kết hợp một số yêu cầu trước đó của Hamas. Các quan chức an ninh tại Ai Cập cho biết Israel và Hamas dường như sẵn sàng giải quyết những khác biệt trong mọi lĩnh vực, ngoại trừ việc Israel rút quân.
Các nguồn tin Hamas cho biết sự hiện diện của quân đội Israel dọc theo các hành lang sẽ đồng nghĩa với việc Israel tiếp tục chiếm đóng và ngăn chặn quyền tự do đi lại của người dân.
Hai chỉ huy Hamas cho biết điểm bất đồng chính hiện nay là lập trường của Israel rằng nhiều tù nhân được thả phải bị trục xuất ngay lập tức và phải lưu vong ra khỏi Israel, Bờ Tây hoặc Dải Gaza. “Vì lý do này, Hamas đã từ chối chấp nhận văn bản của Mỹ – Israel”, một trong những chỉ huy cho biết.
Ngọc Ánh (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/thoa-thuan-ngung-ban-bi-can-tro-vi-israel-yeu-cau-duy-tri-quan-su-o-gaza-post308955.html