Ngày 5/9, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, Ngoại trưởng nước này Hakan Fidan đã điện đàm và thảo luận với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg về các bước mà Ankara thực hiện nhằm nối lại thỏa thuận ngũ cốc.
Thổ Nhĩ Kỳ, NATO thảo luận về các bước nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. (Nguồn: Reuters) |
Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: “Trong cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Ukraine, các bước được thực hiện để ‘hồi sinh’ hành lang ngũ cốc, cũng như Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển”.
Hôm 4/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau tại thành phố Sochi (Nga) để thảo luận về tình hình xung quanh Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã hết hạn vào tháng 7, cũng như một số vấn đề khác. Cuộc họp không đưa ra được bất kỳ tài liệu chung nào.
* Cùng này, Cố vấn Tổng thống Ukraine Kykhailo Podolyak đã bác đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ về việc Kiev nên có lập trường mềm mỏng hơn để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc.
Theo ông Podolyak, Ukraine sẽ không ủng hộ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hay một chính sách “nhân nhượng” đối với Nga.
Vào ngày 18/7, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian – vốn cung cấp hành lang nhân đạo cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong năm qua – đã hết hạn.
Moscow đã rút khỏi thỏa thuận. Nước này nhấn mạnh, phần thỏa thuận nhằm tạo điều kiện để Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón đã không được thực hiện.
* Nga đã củng cố vị trí là quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới khi đạt sản lượng lớn và giá giảm.
Ông David Laborde, Giám đốc phụ trách kinh tế nông nghiệp của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cho rằng, thế giới hy vọng 45 triệu tấn lúa mỳ của Moscow sẽ được đưa ra thị trường.
Nga, nước nhập khẩu lúa mỳ nhiều hơn xuất khẩu vào 25 năm trước, đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu vào năm 2016.
Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhập khẩu nhiều nhất lúa mỳ của nước này. Quốc gia Bắc Phi nhập khẩu 80% nhu cầu ngũ cốc từ Nga và Ukraine, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chế biến lúa mỳ của Moscow thành bột mỳ để xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi và châu Á.