Trong bối cảnh NATO muốn một Hội nghị Thượng đỉnh thể hiện tình đoàn kết ở Washington DC, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết duy trì hành động cân bằng tinh tế giữa tư cách thành viên NATO, mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga và quan hệ đối tác chiến lược với Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Politico công bố hôm 8/7, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần thứ 75 ở Washington DC, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler kiên quyết bác bỏ mọi quan điểm cho rằng Ankara là một đồng minh không đáng tin cậy trong liên minh quân sự.
“Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất có thể đưa cả 2 bên tham chiến đến với nhau trong các cuộc đàm phán cấp cao”, Bộ trưởng Guler cho biết.
Bất chấp việc duy trì quan hệ kinh tế với Nga và né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, Ankara vẫn hỗ trợ Ukraine bằng cách cung cấp máy bay không người lái và tàu chiến. Là quốc gia được trao quyền kiểm soát lối vào ra Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép biến vùng biển này thành chiến trường.
“Chúng tôi sẽ không cho phép Biển Đen biến thành một chiến trường chiến lược”, Bộ trưởng Guler tuyên bố, nhấn mạnh cam kết của Ankara trong việc duy trì ổn định khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tuyên bố tuân thủ Công ước Montreux được ký năm 1936. Sau khi Nga khai màn “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, trên cơ sở Điều 19 của Công ước Montreux, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chặn các tàu chiến của những bên tham gia xung đột và các nước không nằm trong khu vực tiến vào eo biển (Bosporus và Dardanelles) để ngăn chặn sự leo thang và căng thẳng gia tăng ở Biển Đen.
Ankara cũng nhấn mạnh rằng họ theo đuổi nỗ lực tuân thủ nguyên tắc “trách nhiệm khu vực” ở Biển Đen để tránh gây xáo trộn cho sự cân bằng đã hình thành ở đó.
Công ước Montreux được ký ngày 20/7/1936 và có hiệu lực vào ngày 9/11 cùng năm, trao cho Thổ Nhĩ Kỳ chức năng giám sát và kiểm soát việc tàu thuyền ra vào eo biển Bosporus và Dardanelles. Đồng thời, Công ước quy định việc qua lại của tàu chiến, trong khi tàu dân sự của tất cả các nước vẫn giữ quyền tự do đi qua eo biển cả trong thời bình và thời chiến.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian hòa giải 2 bên, và cùng với Liên Hợp Quốc, đã giúp tạo ra hành lang an toàn cho ngũ cốc được vận chuyển qua Biển Đen tới những nơi khác trên thế giới.
Đáng tiếc là thỏa thuận này, gọi là “Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen”, đã sụp đổ vào tháng 7 năm ngoái, sau một năm hiệu lực. Kể từ đó, Biển Đen không còn an toàn cho các tàu thuyền chở hàng hóa qua lại.
Minh Đức (Theo TASS, TRT World)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tho-nhi-ky-tuyen-bo-se-khong-de-bien-den-bien-thanh-chien-truong-204240710225811929.htm