Theo nhận định ban đầu của chúng tôi thì số tư liệu này có liên quan trực tiếp đến ít nhất 4 người. Đó là chiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, sinh ngày 12.12.1946, quê quán tại xã Hải Ninh, H.Hải Hậu, tỉnh Nam Hà (bây giờ là Nam Định). Nguyễn Mạnh Hùng là chủ nhân của một trong 2 cuốn sổ (cuốn nhật ký) kèm theo 1 giấy phép lái xe mang tên anh. Người thứ hai là chiến sĩ Trần Văn Ký, sinh ngày 5.5.1941 tại xã Quảng Trạch, H.Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông Larry “sưu tầm” được của anh Trần Văn Ký 1 giấy phép lái xe và 2 giấy khen do có thành tích ở đơn vị Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 38. Người thứ ba là chiến sĩ Nguyễn Đình Nghinh, sinh ngày 4.10.1944, quê quán tại xã Đại Hợp, H.Tứ Kỳ, Hải Dương. Anh Nguyễn Đình Nghinh là chủ nhân của cuốn sổ còn lại (là một tập thơ chép tay) và 1 thẻ đoàn viên mang tên anh.
Người cuối cùng, có ít hiện vật hơn cả, chỉ là 1 giấy chứng nhận trúng tuyển kỳ thi hết cấp 2 trường phổ thông. Nội dung: “Trưởng ty Giáo dục Nam Định xác nhận: Trần Ngọc Thuận, sinh ngày 15.5.1950 tại Xuân Bắc, Xuân Trường, Nam Hà. Đã trúng tuyển kỳ thi hết cấp 2 trường phổ thông khóa ngày 21.5.1965 tại Hội đồng thi Xuân Trường. Vào sổ bộ số 661. Nam Định ngày 21.5.1965. Trưởng ty Giáo dục: Hoàng Trung…(tên bị mờ) đã ký”.
Trong những “kỷ vật” này, quan trọng hơn cả là cuốn nhật ký và tập thơ chép tay. Về cuốn nhật ký, chúng tôi sẽ đề cập ở bài sau. Còn bây giờ, chúng tôi xin lược trích vài bài thơ…
Tập thơ chép tay của chàng trai 18 tuổi
Điều thú vị hơn cả là chúng tôi đã đọc những bài thơ của một người ký tên Hoàng Nghinh. Đó là một tập thơ chép tay được trang trí khá đẹp.
Những lời thơ mộc mạc, dung dị của chàng trai 18 tuổi, cách đây 51 năm – khi anh vừa lên đường làm bổn phận người trai trong thời chiến sao mà vô tư, trong sáng và đẹp đẽ biết bao: “Buổi ra đi lòng tôi phấn khởi/Vinh quang thay cho lứa tuổi hai mươi/Bước ra đi làm nghĩa vụ tòng quân/Để giữ vững giang sơn đất Việt/Tôi ra đi đặt lợi quyền trên hết/Vì nhân dân mà tạm biệt quê hương/Xa gia đình, gạt bỏ nỗi nhớ thương/Mẹ già yếu cùng đàn em nhỏ/Nhìn đất nước Bắc Nam còn chia sẻ/Căm giận thay cho Mỹ-Khánh dã man/Mày điên cuồng gây bao cảnh nát tan/Đang khủng bố người dân yêu nước/Vì tổ quốc tôi hiên ngang cất bước/Lòng tự hào là một người trai/Đi năm năm luyện tập thành tài/Hứa cố gắng dẻo dai rèn luyện/Nếu kẻ thù có điên cuồng gây chiến/Tôi sẵn sàng cống hiến sức mình/Chỉ một lòng vì Đất Nước hy sinh/Để giữ vững Hòa Bình… mãi mãi (Ngày Nhập Ngũ, Hải Phòng: 15.4.62).
Và cũng như bao chàng trai tuổi đôi mươi khác, người lính trẻ này cũng có những giây phút mơ về người bạn gái nơi quê nhà: “Nhớ ngày xa cách đôi nơi/Nhớ em nhớ cả tiếng cười khi xưa/Xa em anh chọn thành thơ/Gởi em gởi cả giấc mơ mặn nồng/Em ơi cách biệt bao đông/Bao năm xa cách nhưng lòng vẫn vui/Những lời anh nói với em/Hình ảnh em đó anh quên thế nào?/Em ơi! Gần nhau yêu có một lần/Xa nhau yêu gấp trăm lần khi xưa” (Ngày xa em). Nhớ người yêu, nhưng ngay cả gửi bức thư đầu tiên cho “người ấy”, anh cũng vẫn e dè, ngượng ngập: “Định gửi cho em đã mấy lần/Rụt rè, e thẹn nghĩ tình quân/Thông cảm cho anh, bằng lòng nhé!/Đừng để cõi lòng hạn tuổi xuân” (Lần đầu gởi thư).
Ở cuốn sổ này, chúng tôi thấy không chỉ có những bài thơ chép tay mà còn có những dòng lưu bút ghi bằng nét chữ con gái, mềm mại rất dễ thương:
“Tây Giang ngày 20.11.63
Anh Nghinh kính mến.
Cái thuở ban đầu chúng em cùng anh gặp gỡ. Đời đẹp như hoa ươm nụ trên cành. Anh cùng chúng em trên công sự nói nói, cười cười sao mà vui nhộn quá! Anh Nghinh kính mến: Anh cùng chúng em gặp nhau trên bước đường công tác, mỗi người một tỉnh, mỗi nơi… Tình cảm của anh em chúng mình gắn bó như keo sơn, như sóng triều dâng biển cả. Càng xa nhau, càng nhớ nhau vô bờ bến. Khi xa anh, em làm sao quên được người anh tri âm, tri kỷ ấy đã từng gặp nhau, cùng nhau trên công sự một nắng hai sương vật lộn với đất trời để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho, để xứng đáng là người đoàn viên dưới chế độ XHCN.
Trước giờ phút chia tay giữa các anh với chúng em. Em biết nói gì đây? Em biết viết gì đây. Chỉ biết nhờ trang giấy trắng này, em viết vài dòng lưu niệm gởi tới người anh công tác phương xa. Người ta thường nói: “Gần nhau thì thấy bình thường/Xa nhau mới thấy tình thương mặn nồng”. Thật vậy anh ạ!
Tạm ngừng bút. Chúc anh luôn mạnh khỏe, đem hết khả năng của mình để phục vụ cho Tổ quốc, để Nam – Bắc 2 miền chóng đoàn tụ. Siết chặt tay anh. Em của anh: Vũ Thị Thúy Hằng (Tuất). Địa chỉ: xóm Hồng Việt, thôn Quang Trung, xã Đông Xuân, huyện Đông Quan. Thái Bình”.
Ngoài những tư liệu trên, còn có 9 bức ảnh, nhưng bước đầu cũng khó xác định được tấm ảnh nào liên quan đến ai, trừ khi đăng lên báo để chính bản thân họ, đồng đội hoặc người thân của họ xác nhận… (còn tiếp)