Trang phục của cộng đồng các dân tộc Sơn La luôn mang nét đặc trưng và ý nghĩa riêng về kỹ thuật nhuộm vải, thêu hoa văn, được truyền tay từ đời này sang đời khác, tạo nên bức tranh thổ cẩm đa sắc, độc đáo, thể hiện văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc.
Với đồng bào Dao, hoa văn thường thấy trên váy, áo là những hình sóng lượn, mặt trời hình tròn, bông hoa hình vuông… Với nét độc đáo và đặc sắc, “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của dân tộc Dao” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Bà Lý Thị Thu, bản Phiêng Đón, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, chia sẻ: Với đồng bào Dao, trang phục chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh. Váy, áo, khăn đều phải được làm từ vải nhuộm chàm, sau đó mới thêu, chấm sáp ong tạo hình hoa văn và khâu may hoàn thiện thành bộ. Màu chàm tím, mùi chàm thơm trở thành một phần không thể thiếu trong truyền thống và tín ngưỡng bao đời của dân tộc Dao. Chính vì thế, toàn bộ trang phục cổ truyền của đồng bào đều lấy màu chàm làm chủ đạo.
Trang phục dân tộc Mông lại sặc sỡ với những sắc màu ấm nóng nổi bật. Để hoàn thiện một bộ trang phục, người phụ nữ Mông phải mất vài tháng tháng thực hiện tuần tự rất nhiều công đoạn, thao tác tỉ mẩn trên từng miếng vải mộc. Không chỉ có hoa văn thêu tay bằng chỉ màu sắc mà còn phải vẽ hoa văn bằng sáp ong kỳ công, tốn nhiều thời gian, phải can vải, chắp ghép những miếng vải màu lại thành hoa văn hình học, hoặc những đường viền tay áo vô cùng khéo léo. Hoa văn nổi bật là hình chữ X, hình quả núi, chữ thập, bông hoa, hình vuông, sóng nước, mang tính chất biểu tượng, phản ánh đời sống thường ngày của đồng bào. Mũ, áo của trẻ em, thầy cúng thì được đính thêm hạt cườm, đồng bạc với quan niệm tránh tà ma, vừa tạo nét độc đáo cho bộ trang phục. “Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của dân tộc Mông, huyện Mộc Châu” cũng đã được công nhận là 1 trong 15 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Sơn La hiện nay.
Còn với đồng bào Thái, sự khéo léo và sáng tạo của người phụ nữ được thể hiện trong những “tác phẩm” khăn piêu rực rỡ và duyên dáng. Chiếc khăn piêu không đơn giản là một phần của bộ trang phục Thái, mà còn nơi để các cô gái thể hiện sự khéo léo với những đồ án hoa văn riêng, là lễ vật đám cưới, vật đính ước tình yêu lứa đôi. Bà Lò Thị Thương, bản Cọ, phường Chiềng An, Thành phố, nói: Mỗi người sẽ có cách thể hiện hoa văn trên khăn piêu khác nhau, nhưng đều có 3 dạng chính là “ta leo” có ý nghĩa đuổi trừ tà ma, “cút piêu” thể hiện cho sự tôn quý, “sai peng” là sợi dây tình yêu của đôi lứa. Vậy nên, khăn piêu luôn có ý nghĩa đặc biệt đối với đồng bào Thái.
Ngày nay, giữa sự phát triển của văn hóa thời đại, thổ cẩm dân tộc vẫn có chỗ đứng bền vững với sức hấp dẫn riêng. Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc váy dân tộc Mông sặc sỡ, những chiếc khăn piêu tuyệt đẹp được dùng làm vật trang trí cho những không gian nhà hàng, homestay mang phong cách dân tộc ở Sơn La. Hay hoa văn thổ cẩm được cách điệu sáng tạo cho những sản phẩm quà tặng du lịch độc đáo, những chiếc đèn lồng lạ mắt, những chiếc túi, ví kết hợp phong cách cổ truyền và hiện đại… Tất cả đã nói lên sức hấp dẫn đặc biệt của thổ cẩm vùng cao, của những hoa văn truyền thống đã được đồng bào miền núi truyền đời gìn giữ đến tận ngày nay.
Thanh Đào