Ngày 8-6, mạng xã hội xôn xao nghi vấn đề thi chuyên văn vào lớp 10 Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai bị dẫn sai nguyên tác. Lỗi được phát hiện sau khi các thí sinh hoàn thành buổi thi môn ngữ văn (chuyên) vào sáng cùng ngày.
Sai nguyên tác?
Cụ thể, trong câu 2 (5 điểm) của phần II – phần làm văn, đề thi dẫn một đoạn trích trong tham luận “Thông điệp về cái đẹp và tự do” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tại hội thảo thơ Đông Á trong thời đại toàn cầu hóa ở Manhea, Hàn Quốc như sau:
“Thơ ca không làm ra lúa gạo, vàng trắng nhưng thơ ca làm ra giấc mơ cho người gieo trồng. Chỉ có giấc mơ thiêng liêng và lộng lẫy mới giúp con người đi qua được bóng tối của dục vọng và tội lỗi, tìm đến đồng loại để chia sẻ và dâng hiến những vẻ đẹp của khát vọng sống cho mọi con người”.
Từ đoạn trích này, đề thi yêu cầu thí sinh tìm hiểu nhận định trong trích đoạn và làm sáng tỏ nhận định trên qua một số tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn 9.
Sau khi có nghi vấn một phần câu trích bị dẫn sai, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã liên hệ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – để tìm hiểu sự việc.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xác nhận câu đầu tiên trong đoạn trích của đề thi đã dẫn sai nguyên tác.
Theo đó, câu trích “Thơ ca không làm ra lúa gạo, vàng trắng nhưng thơ ca làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”, nguyên tác đúng là: “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”.
Ông Thiều xác nhận câu này được trích từ bài phát biểu của ông tại hội thảo thi ca ở Hàn Quốc. Đồng thời cũng là tên của một bài phỏng vấn ông trong liên hoan thơ quốc tế tại Brazil.
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quang Thiều cho biết ông không phải là tác giả câu thơ trên mà đó là một trong những sáng tác của người làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, quê mẹ ông.
Đây là một trong 200 câu thơ của người làng Chùa mà ông sưu tầm, ghi chép lại.
Theo ông, ngôi làng này có truyền thống thơ ca lâu đời. Ngày xưa người làng hay viết các câu thơ trên tường các ngôi nhà, đình làng, cổng làng.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận định khi người ra đề đảo lại trật tự các chữ này đã làm ý nghĩa câu thơ thay đổi, làm khó đọc, khó nhớ, khó hiểu và mất tính nghệ thuật.
Nhà văn lý giải cụm từ “lúa vàng, gạo trắng” xuất phát từ một đất nước nông nghiệp lúa nước, có tính truyền thống và lịch sử, văn hóa. Do đó, việc đảo lại thành “lúa gạo, vàng trắng” làm người đọc, người nghe khó hiểu.
Sẽ xác minh lại tính chính xác của đề thi
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Duy Định – giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai – cho hay sau buổi thi có nghe một số cán bộ báo cáo sơ bộ về vấn đề này.
Do hiện nay các cán bộ ra đề còn ở trong khu cách ly nên sau khi kết thúc kỳ thi sẽ yêu cầu trưởng ban đề thi trả lời, giải thích về đề.
Theo ông Định, đầu tuần tới sau khi xác minh tính chính xác của đề thi, cơ quan chức năng sẽ tính tiếp phương án.
Chia sẻ với phóng viên, một phụ huynh có con gái thi chuyên văn đang đợi trước cổng trường thi nói rất lo lắng khi nghe tin đề thi trích sai nguyên tác.
Theo bà, để chuẩn bị cho kỳ thi này cháu gần như không ngủ để ôn bài suốt 2 tuần qua, rất căng thẳng về tâm lý. Do đó, nếu đề có sai sót đến mức phải tổ chức thi lại sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý, sức khỏe của con.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tho-ca-khong-lam-ra-lua-gao-vang-trang-hay-lua-vang-gao-trang-20240608172352237.htm