(HNMCT) - Trong những ngày đầu năm nay, sự ra đời của phim hoạt hình "Thỏ Bảy Màu" tập 3 đã thu hút sự chú ý theo dõi của đông đảo khán giả trong nước. Đây là bộ phim hoạt hình mang đậm chất Việt, hướng đến khán giả Việt và cũng là một “phép thử” của những người trẻ muốn sản xuất những bộ phim hoạt hình “made in Vietnam”.
Hoạt hình phản ánh thực tế
Với thời lượng 20 phút, tập 3 bộ phim hoạt hình “Thỏ Bảy Màu - Thần bài miền Tây” có bối cảnh gần gũi với mỗi gia đình Việt, tái hiện sinh hoạt, lối sống, những mối quan hệ đậm chất Việt với nhân vật chính là một chú Thỏ cùng những người thân như ông Năm, chị Xô, Én nhỏ.
“Thần bài miền Tây” kể câu chuyện Thỏ quyết tâm cầm sổ đỏ đi đánh bài kiếm tiền báo hiếu ông Năm. Nhưng đời không như là mơ, Thỏ đã thua toàn bộ tài sản trong cuộc tỉ thí cùng Én và sau đó bị cơ quan chức năng bắt và tịch thu toàn bộ tang vật. Én, sau khi tẩu thoát khỏi cuộc vây bắt của công an vẫn không thể thoát khỏi vòng lao lý.
Phim “Thần bài miền Tây” như câu chuyện châm biếm thói cờ bạc không biết giới hạn của một bộ phận người Việt. Đây là bộ phim hài nhưng vẫn có những nốt trầm qua 2 phân cảnh. Cảnh anh Quăn đưa Thỏ từ trại giam trở về đã lấy được nhiều nước mắt của khán giả, thể hiện sự đồng cảm với những người không có gia đình và phải mưu sinh trong suốt dịp Tết. Sau đó là cảnh ông Năm ôm Thỏ và nói: “Ông chỉ sợ mất thằng cháu ông thôi”. Chi tiết ấy cho thấy một tính cách đặc trưng của người Việt là luôn sẵn sàng tha thứ cho mọi lỗi lầm của con cái và gửi gắm thông điệp quan trọng nhất: Gia đình là nơi để trở về, là nơi che chở chúng ta sau mỗi vấp váp trong cuộc sống.
Đáng lưu ý, “Thỏ Bảy Màu” là phim hợp với độ tuổi thanh, thiếu niên và người lớn. Theo anh Nguyễn Tiến Sơn, Giám đốc sản xuất series phim hoạt hình “Thỏ Bảy Màu”, đây không chỉ là một bộ phim hài, ê kíp sản xuất còn đưa vào đó cảm xúc về Tết của người Việt.
Hoạt hình Việt cho người Việt
“Hiện có quá ít phim hoạt hình Việt. Khi người Việt tìm kiếm phim hoạt hình, họ thường chọn những thương hiệu lớn từ Mỹ, Nhật như Carton Network, Anime... Chúng tôi mong muốn sản xuất phim hoạt hình Việt cho người Việt” - nhà sản xuất Nguyễn Tiến Sơn cho biết.
Trước đó, bộ phim đầu tiên của “Thỏ Bảy Màu - Tết về quê Thỏ” được cho ra mắt vào đúng dịp Tết 2021, đạt số lượng 13 triệu lượt xem. Tiếp nối thành công đó, năm 2022, “Thỏ Bảy Màu” ra mắt tập phim “Tết của ông Năm” và lọt vào top 5 video nổi bật của năm 2022. Mong muốn phim “Thỏ Bảy Màu” trở thành món ăn tinh thần trong ngày Tết, năm 2023, tác giả Huỳnh Thái Ngọc quyết định hợp tác cùng Sun Wolf Animation Studio để sản xuất dự án “Thần bài miền Tây”.
Trước sự ủng hộ to lớn của khán giả, Huỳnh Thái Ngọc cho biết, anh ngày càng tự tin hơn khi làm tập 3 và những tập tiếp theo của “Thỏ Bảy Màu”: “Giá trị của “Thỏ Bảy Màu” là giá trị Việt Nam. Đầu tiên, đó chính là tiếng Việt và cách thể hiện tiếng Việt của nhân vật. Chúng tôi hướng tới ngôn ngữ đại chúng và khán giả có thể nghe được những giọng nói này, cách cư xử này ở bất cứ đâu” - tác giả Huỳnh Thái Ngọc nói.
Sự ra đời của những bộ phim hoạt hình của các tác giả, đạo diễn trẻ trong nước đang tạo ra sự chú ý của khán giả, mang đến dấu hiệu tích cực cho nền hoạt hình còn non trẻ của nước nhà. Theo đạo diễn Đinh Kiều Anh Tuấn, người sáng lập và điều hành công ty Sun Wolf Animation Studio, với dự án phim hoạt hình “Thỏ Bảy Màu”, nhân vật Thỏ do người Việt tạo ra và những câu chuyện xung quanh nhân vật này cũng đề cập đến cuộc sống của những người trẻ hiện nay. Những nhân vật như vậy vốn dĩ đã có chung tiếng nói với định hướng của Sun Wolf Animation Studio trong việc phát triển phim hoạt hình. Bên cạnh đó, Sun Wolf Animation Studio cũng đang thực hiện dự án phim hoạt hình khác là “Hành trình nhân quả” và “Tản Viên Phong Châu”, với cốt truyện hiện đại nhưng các chi tiết, bối cảnh đều lấy cảm hứng từ đất nước, con người Việt Nam.
Bỏ tiền túi nuôi ước mơ
Thành công của “Thỏ Bảy Màu” đã tạo động lực cho ê kíp sản xuất quyết tâm thực hiện phim bộ dài tập về nhân vật này. Được biết, kinh phí sản xuất các tập phim trước đây đều do các thành viên tự bỏ tiền túi. Do đó, để chuẩn bị cho việc làm phim trong năm nay và các năm tiếp theo, tác giả Huỳnh Thái Ngọc và Sun Wolf Animation Studio đang tìm kiếm nhà tài trợ.
“Năm 2023 là một năm khó khăn nên các nhãn hàng sẽ cẩn thận hơn trong việc chi tiền cho các chiến dịch marketing. Dự án phim “Thỏ Bảy Màu” không nhận được bất kỳ sự tài trợ nào và đội ngũ hoàn toàn phải bỏ công sức và tiền túi ra để sản xuất. Chúng tôi đã xác định rằng mình sẽ không thể thu hồi vốn ban đầu, giống như "danh hiệu" tự trào trên poster phim (Top 1 nhà làm phim hoạt hình lỗ vốn 2022). Tuy nhiên, sự đón nhận của khán giả đối với bộ phim là một phần thưởng lớn để chúng tôi tiếp tục” - nhà sản xuất Nguyễn Tiến Sơn cho biết.
Còn theo đạo diễn Đinh Kiều Anh Tuấn, một khi đã xác định làm phim hoạt hình là mục đích chính, lâu dài thì dù cho hiện tại chưa có sự đầu tư từ bên ngoài nhưng các thành viên của Sun Wolf Animation Studio đã chủ động tìm những con đường khác để nuôi sống ước mơ hoạt hình. “Đa phần tự thân là chính. Hoặc là chúng tôi kết hợp với các công ty hoạt hình khác, tạo ra một liên minh. Chúng tôi đều có niềm tin vào phim hoạt hình nên mỗi người có thể là một nhà đầu tư nhỏ của công ty” - đạo diễn Đinh Kiều Anh Tuấn nói.
Hiện nay, ở nước ta có khá nhiều người trẻ đam mê phim hoạt hình. Một số có tên trong dây chuyền sản xuất tại những hãng hoạt hình lớn tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; nhiều đạo diễn, nhà làm phim nhanh nhạy, có tay nghề cao với những tác phẩm của riêng mình, được thế giới ghi nhận. Gần đây nhất, có thể kể đến phim ngắn “Giấc mơ gỏi cuốn” của Mai Vũ được chọn tham gia tranh giải La Cinéf tại Liên hoan phim Cannes 2022.
Tuy nhiên, khó khăn còn đó đối với nền hoạt hình Việt Nam, một trong số đó là xu hướng ưa chuộng sản phẩm hoạt hình nước ngoài của khán giả Việt. Do đó, yêu cầu đặt ra với các nhà làm phim hoạt hình nước ta là sản xuất những tác phẩm có chất lượng tiệm cận với thế giới. Để làm được điều đó thì yếu tố con người, nhân sự làm phim đóng vai trò quyết định. Điều đó đòi hỏi các công ty hoạt hình phải chủ động đào tạo nguồn nhân lực.
Với các nền công nghiệp hoạt hình trên thế giới, để duy trì sản xuất, mỗi studio có thể huy động vài nghìn người. Mặc dù các studio hoạt hình ở trong nước đang rất cần nhân lực nhưng đầu ra từ các trường đại học chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cả về số lượng và chất lượng. Điều này vẫn đang là thách thức lớn đối với ước mơ làm phim hoạt hình “made in Vietnam”.
Nguồn
Bình luận (0)