SGGPO
Liên quan tình trạng nhiều địa phương thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý việc mua sắm vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc ARV, thuốc lao và vitamin A.
Bộ Tài chính cho biết, kinh phí mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng thay đổi qua các năm. Giai đoạn 2016 – 2022, số tiền này do ngân sách trung ương chi. Tuy nhiên, từ năm 2023 trở đi, ngân sách trung ương không thực hiện chi khoản này và chuyển cho ngân sách địa phương đảm bảo.
Bộ Tài chính đã gửi 3 công văn đề nghị Bộ Y tế xây dựng dự toán năm 2023 và hướng dẫn địa phương thực hiện. Trường hợp cần thiết bố trí ngân sách trung ương mua một số loại thuốc, vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi, Bộ Y tế trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định để có cơ sở bố trí ngân sách trung ương.
“Đến nay, Bộ Y tế không trình cấp thẩm quyền quyết định bố trí ngân sách trung ương để mua vaccine tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, Bộ Tài chính chưa có cơ sở để bố trí ngân sách trung ương để mua vaccine”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Thiếu vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang xảy ra tại nhiều địa phương |
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng làm rõ kiến nghị của địa phương trong vướng mắc mua sắm vaccine. Theo đó, hiện nay có 16 tỉnh, thành phố báo cáo khó khăn, vướng mắc khi mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng và đề nghị Bộ Y tế đứng ra đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc đàm phán giá.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, việc Bộ Y tế đề nghị được giao tổng hợp nhu cầu và nhận ủy quyền của địa phương đặt hàng đơn vị sản xuất vaccine sản xuất trong nước sử dụng trong tiêm chủng mở rộng không phù hợp. Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của Bộ Tư pháp về nội dung ủy quyền này.
Với đề xuất Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để địa phương ký hợp đồng đặt hàng, Bộ Tài chính cho biết, chỉ có thẩm quyền ban hành giá tối đa trên cơ sở thẩm định và đề xuất của Bộ Y tế trong trường hợp sử dụng ngân sách trung ương. Bộ Tài chính không có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt giá cụ thể để đặt hàng; không có thẩm quyền ban hành giá tối đa với sản phẩm, dịch vụ thực hiện từ đặt hàng của ngân sách địa phương.
Trong khi đó, mới đây, Bộ Y tế đã thông tin cho báo chí về các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, đối với các loại vaccine sản xuất trong nước, Bộ Y tế cho hay, do các đơn vị sản xuất là doanh nghiệp Nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu.
Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất đối với vaccine trong nước, các địa phương đăng ký nhu cầu với Bộ Y tế, thực hiện ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng, đồng thời đề nghị được Chính phủ cho thực hiện mua theo phương thức đặt hàng.
Hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu vaccine cấp bách hiện nay, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế mua sắm vaccine cho tiêm chủng mở rộng từ nguồn ngân sách địa phương.
Đối với 10 loại vaccine sản xuất trong nước được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế kiến nghị giao cho Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu của các địa phương, thực hiện đặt hàng, tổng hợp phương án của các nhà sản xuất vaccine gửi Bộ Tài chính; các tỉnh, thành phố ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng các đơn vị sản xuất trong nước; Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán trực tiếp với đơn vị cung ứng.