Bên cạnh giáo dục thuyết phục, hô hào thì phải có cơ chế
+ Được biết, Báo Quân đội Nhân dân đã và đang triển khai rất nhiều những biện pháp trong quản trị tòa soạn để không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như rèn giũa đạo đức cán bộ, phóng viên. Trong đó có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng phẩm chất nhà báo – chiến sĩ… Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
– Nghị quyết chuyên đề về xây dựng phẩm chất nhà báo – chiến sĩ của Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) là ý tưởng đã được hình thành, xây dựng từ năm ngoái. Chúng tôi đã thành lập một ban soạn thảo là những người, những cây bút viết xuất sắc nhất, những người có khả năng nhất để xây dựng Nghị quyết chuyên đề làm cơ sở giúp BBT có những biện pháp để giữ gìn, phát huy phẩm chất của nhà báo – chiến sĩ.
Chúng tôi nghĩ rằng, Báo QĐND không phải là tờ báo có lượng view nhiều nhất, không phải là tờ báo hot trên thị trường, vậy bạn đọc tìm đến mình vì cái gì? Thế mạnh của mình là tính trung thực! Giá trị đạo đức thể hiện tính trung thực trong nghề nghiệp… Cho nên, đấy chính là “ranh giới đỏ” mà những người làm Báo QĐND phải giữ bằng mọi giá. Đây là Nghị quyết sát sườn với người làm báo nên cùng với mục tiêu, giải pháp thì phải có biện pháp cụ thể về cơ chế tổ chức, về hành chính, kể cả về kinh tế, nhuận bút, chế độ thù lao… đều phải dần dần xây dựng thật chi tiết.
Quan điểm của tôi là bên cạnh giáo dục thuyết phục, hô hào thì phải có cơ chế. Chẳng hạn như 3 năm nay, chúng tôi áp dụng quy chế khen thưởng, xử phạt rất hiệu quả. Quy chế quy định rõ sai phạm đến đâu, sai phạm như thế nào sẽ có từng mức áp dụng và 3 năm nay, mọi người đều cảm thấy là cần thiết. Áp dụng quy chế này, Phó Tổng Biên tập, Tổng Biên tập cũng từng bị phạt do chịu trách nhiệm liên đới khi phóng viên có sai sót về nghiệp vụ.
+ “Ranh giới đỏ” như chia sẻ của ông, đã được cụ thể hóa trong hoạt động của toà soạn như thế nào, thưa ông?
– Hằng ngày trong các cuộc giao ban sáng, chúng tôi đều nói về vấn đề đạo đức bằng việc thảo luận các câu chuyện hết sức cụ thể, thực chất, thẳng thắn, từ dấu chấm, dấu phẩy cho đến phong cách tác nghiệp. Ban Chấp hành LCH thường xuyên tổ chức sinh hoạt, quán triệt, học tập, nêu ra các câu chuyện đạo đức để cùng nhau giải quyết, vượt qua thử thách, khó khăn. Mọi cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải tuân thủ và chấp hành nghiêm kỷ luật làm báo; duy trì chặt chẽ tất cả các khâu, các bước trong quy trình làm báo.
Ngay như trong Nghị quyết chuyên đề, chúng tôi bàn bạc cách thức, hằng tuần, hằng tháng các phòng phải phân loại phóng viên và các tiêu chí cũng phải hội tụ đủ chuẩn mực, bao gồm đầy đủ các yếu tố: chất lượng tác phẩm, ý thức, tác phong, chấp hành nội quy. Chúng tôi đề cao sự chuẩn mực, tới đây, sẽ tiếp tục làm nghiêm hơn nữa để giữ gìn hình ảnh phóng viên bộ đội cụ Hồ bằng nhiều cơ chế khác.
+ Tôi cho rằng, Báo chí Cách mạng Việt Nam hôm nay có đủ sức thích nghi và phát triển trong một thế giới thông tin đầy biến động và cạnh tranh quyết liệt, một phần phụ thuộc rất lớn vào việc đội ngũ những người làm báo, các cơ quan báo chí có giữ vững được bản chất cách mạng, phẩm chất văn hóa của mình hay không… Với Báo Quân đội Nhân dân, “ranh giới đỏ” như ông vừa nhấn mạnh, có thực sự khó thực hiện trong bối cảnh đầy thách thức của thời cuộc hay không, thưa ông?
– Vấn đề đạo đức cơ quan báo chí nào cũng rất cần quan tâm coi trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Báo chí chính thống nói chung và báo QĐND nói riêng sở dĩ khẳng định mình hơn MXH chính là ở đạo đức. Mà đạo đức thể hiện ở tính trung thực, tính chuyên nghiệp thì mới có thể dẫn dắt dư luận. Rõ ràng là chúng ta làm sao đa dạng, phong phú, nhanh chóng được như MXH nên ranh giới của mình chính là có văn hóa, có đạo đức. Điều này cũng rất phù hợp với phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ.
Trong 10 lời thề danh dự của quân nhân, lời thề thứ nhất là hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội… Đây chính là lời thề của sự dấn thân, là hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam mà người chiến sĩ nào, anh bộ đội cụ Hồ nào cũng nằm lòng điều ấy. Bởi vậy, đã là nhà báo – chiến sĩ thì phải vượt qua khó khăn, vượt qua thử thách, vượt qua cám dỗ.
Còn nếu cảm thấy làm báo khó quá, khổ quá cần phải đi làm giàu thì cũng động viên, khuyến khích cho ra khỏi ngành. Chứ chúng tôi không có chuyện chân trong chân ngoài, kiên quyết không ủng hộ việc lấy cơ quan là bình phong để làm giàu. Chúng tôi cho rằng, duy trì nghiêm túc, thực hiện thường xuyên những việc đó có thể làm áp lực công việc của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên tăng lên, nhưng lại ngăn ngừa, giảm thiểu được những sơ suất, hạn chế trong hoạt động chuyên môn.
Từ lúc tôi làm Tổng biên tập đến nay đã hơn 3 năm, không có hiện tượng vi phạm đạo đức nghiêm trọng, chỉ có một vài sơ ý trong đưa tin, gây ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, công dân, chúng tôi đều phải làm cho rõ, đúng thì bảo vệ, sai thì xử phạt theo quy định…
Điểm tựa cũng là sức ép
+ Và đâu sẽ là điểm tựa để đứng vững, tồn tại, ngẩng cao đầu… khi những áp lực của nghề nghiệp, của hình ảnh người lính trong lòng dân mỗi thời mỗi khác, thưa nhà báo?
– Với chúng tôi có rất nhiều “điểm tựa” trong đó “điểm tựa” truyền thống là sâu sắc, trăn trở nhất. Tôi cứ nghĩ, ngày xưa các thế hệ các bác làm vất vả hơn mình nhiều chứ, đói khổ, hi sinh, phương tiện thì không có, kinh tế cũng không, chỉ có dấn thân tận hiến. Mình so với thế hệ trước, điều kiện đã tốt hơn nhiều lần thì có lý do gì mà không tích cực, không lăn lộn, không chịu khó đi công tác? Nghĩ về truyền thống để trí tuệ thêm sáng suốt, tâm hồn thêm trong sáng và thêm động lực để cống hiến. Nhưng tất nhiên, đó thực sự cũng là sức ép rất lớn đối với chúng tôi.
Ở Báo QĐND, ai cũng thường trực câu hỏi: Làm thế nào để truyền thống vinh quang luôn được gìn giữ? Báo QĐND đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, 2 lần nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng và nhiều phần thưởng cao quý khác… Sức ép là ở chỗ, phải làm sao giữ gìn được truyền thống vinh quang ấy. Ngày xưa, bối cảnh khác nay rất nhiều. Hiện nay cơ chế chính sách không theo kịp sự phát triển thực tế, nhu cầu bạn đọc thì đa dạng, chứ không chỉ một chiều nghe đài địch hoặc đài ta. Mình không có nhiều giải pháp thì rất dễ đánh mất đi sự vinh quang, đáng tự hào, mất điểm tựa tinh thần vô giá ấy…
+ Tổng Biên tập vừa nhắc đến những cơ chế chính sách, phải chăng đó cũng là những trăn trở, nỗi lo không của riêng ai, cho một chặng đường mới?
– Với nền báo chí chúng ta nói chung, tôi thấy giai đoạn này kinh tế báo chí rất khó khăn. Nhà nước cũng ủng hộ, quan tâm, nhưng cơ chế chính sách cụ thể thì chưa có. Báo QĐND chúng tôi có thuận lợi là được bao cấp, đảm bảo cơ bản cho phóng viên. Nhưng để nâng cao đời sống cho anh em thì cũng là bài toán khó, vận động xã hội hóa, tích kiệm chi tiêu, công khai minh bạch để anh em thấy rằng tòa soạn chỉ có thế, để anh em thông cảm chis sẻ… nhưng cũng không thể cứ mãi như thế.
Trong vấn đề cơ chế chính sách chung, tôi nghĩ rằng cần tiếp tục thực hiện quy hoạch mạnh mẽ, hiệu quả, bởi còn nhiều tờ báo chồng chéo, không cần thiết, phải mạnh dạn thu gọn lại. Một số các đơn vị nói là quy hoạch về mặt hình thức là sáp nhập, số người vẫn thế, thì làm sao mà nuôi được anh em… Cần quy hoạch rõ ràng để tránh chồng chéo, nhiều cơ quan báo chí quá… sẽ giảm sức mạnh của báo chí truyền thống. Nhà nước phải tiếp tục có những chính sách đầu tư chứ để báo chí vận hành theo quy luật thị trường thì sẽ rất khó khăn. Chúng ta làm báo đâu chỉ là tuyên truyền đơn thuần mà tuyên truyền phải có định hướng, thông tin phải có giáo dục, giải trí phải có đấu tranh…
An Vinh (Thực hiện)