Trước khi xảy ra dịch Covid-19, du lịch đóng góp đến 9,2% vào GDP của cả nước. Sau dịch, chúng ta mở cửa sớm nhưng đến nay du lịch chỉ đóng góp chưa tới 2% GDP do doanh thu thời gian qua đã xuống rất thấp. Đây là vấn đề cấp bách của nền kinh tế và cần tìm ra giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, góp phần phục hồi kinh tế.
Lấy Vietjet làm dẫn chứng, ông Quang cho biết trước đây, mỗi ngày VJ có đến 85 chuyến bay đến Trung Quốc, trong 2 năm qua đã ngưng toàn bộ. Chuyển hướng qua thị trường Ấn Độ nhưng công suất cao nhất cũng chỉ mới 17 chuyến mỗi ngày.
“Vừa qua, tôi có dịp nhập cảnh vào một nước phát triển ở châu Âu. Họ có hai lối đi, một lối phải chờ đợi hơn 3 tiếng đồng hồ, trong khi lối còn lại khách cứ đi “vèo vèo” nhờ áp dụng công nghệ visa và xuất nhập cảnh. Tôi kể câu chuyện này để nói rằng, Việt Nam cần áp dụng công nghệ vào việc cấp visa. Vấn đề thủ tục và chính sách cần đi trước một bước nhưng hiện tại Việt Nam lại đang chậm hơn so với nhu cầu và yêu cầu của thực tế phát triển” – ông Quang nói và nhấn mạnh, thủ tục xuất nhập cảnh của Việt Nam quá chậm, đây là điều cần phải cải tiến bằng cách tự động hóa. Muốn phát triển du lịch cần phải giải quyết vấn đề visa và đặc biệt nới rộng thời hạn visa. Ông Quang ủng hộ và đồng tình với các đại biểu trước về việc miễn visa cho khách đến từ các nước như EU, Úc, New Zealand.
Trả lời câu hỏi vì sao du khách Ấn Độ vẫn chưa bù đắp được khách Trung Quốc? Ông Quang cho rằng, khách Ấn Độ ít đến Việt Nam vì trước đây họ thường phải trung chuyển qua Bangkok (Thái Lan) mất thêm 3 – 4 tiếng đồng hồ. Vietjet cũng mới có 3 đường bay thẳng đến Ấn Độ.
“Chính vậy, đường bay thẳng đóng vai trò then chốt, là điểm nhấn trong việc thu hút khách du lịch. Sắp tới, ngoài Ấn Độ chúng tôi sẽ mở đường bay thẳng đến các nước như Kazakhstan, Uzbekistan… và các nước thuộc khối Liên Xô cũ để thu hút thêm du khách quốc tế”, ông Quang nói.
Ông Quang cũng đề xuất, ngoài visa và đường bay thẳng thì điều mà du khách cần là cần có các sản phẩm du lịch. Từ sau dịch Covid-19, tôi có cảm giác như các sản phẩm du lịch của chúng ta cũng ít hơn. Các hoạt động như Festival Huế hay Festival hoa Đà Lạt và nhiều lễ hội khác… và những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút nhiều du khách cần được phát huy.