UBND huyện Thiệu Hóa đã và đang hướng dẫn các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thẩm định và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn, nhất là đối với các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bãi tập kết cát ven sông Chu qua địa bàn thị trấn Thiệu Hóa.
Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn, UBND huyện Thiệu Hóa tập trung chỉ đạo đơn vị có liên quan, các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cấp tính thấp và có thời gian cách ly ngắn, thời gian phân giải nhanh để bảo đảm sản phẩm an toàn, sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và an toàn cho môi trường. Cuối năm 2022, huyện hợp đồng với Công ty CP Phát triển công nghệ tài nguyên môi trường tổ chức thu gom được 2,4 tấn rác thải nguy hại đồng ruộng và rác thải nguy hại sinh hoạt khác đem đi xử lý. Đồng thời, huyện bố trí nguồn kinh phí mua hóa chất cung cấp cho các xã, thị trấn để xử lý việc ô nhiễm môi trường tại các khu chăn nuôi, khu bãi rác tập trung trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật và tổ chức thanh tra, kiểm tra thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường. Xây dựng văn bản hướng dẫn chủ đầu tư, các phòng, ban có liên quan phân loại đối tượng phải làm hồ sơ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tham gia ý kiến đối với tất cả các văn bản, đề cương nhiệm vụ, dự toán các dự án công trình thuộc đối tượng phải làm đánh giá tác động môi trường trên địa bàn huyện.
Đi đôi với đó, từ năm 2022 đến nay, UBND huyện tiếp tục thực hiện các họat động bảo vệ môi trường, như tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường, phát động ra quân, treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền,… nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên và môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổng vệ sinh, nạo vét, khơi thông cống rãnh, xử lý rác thải, trồng cây xanh,…Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các xã, thị trấn, các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn huyện không có bãi rác xử lý tập trung, một số xã, thị trấn hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom đưa đi xử lý, các xã còn lại thực hiện thu gom theo hình thức từng thôn hợp đồng với các chủ hộ có nhu cầu thu gom, sau đó vận chuyển đến các bãi tập kết.
Về tiềm năng khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn, huyện có 2 con sông lớn đi qua là sông Mã, sông Chu và đã tạo thành nhiều bãi bồi chứa một lượng cát lớn phục vụ nhu cầu xây dựng. Khối lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn là 3,86 triệu m3. UBND huyện giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường là đầu mối tham mưu cho huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản nói chung, cũng như các quy định về khoáng sản cát, sỏi lòng sông nói riêng. Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đã được UBND huyện Thiệu Hóa quan tâm đúng mức, với việc điều hành quyết liệt, đồng bộ từ huyện đến xã và hoạt động khai thác trái phép cơ bản đã được ngăn chặn kịp thời, các bãi tập kết cát trái phép đã được giải tỏa. Việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản của các doanh nghiệp cơ bản được quản lý, giám sát đúng theo các quy định của pháp luật. Đi đôi với đó, hàng năm, tổ công tác liên ngành thực hiện tuần tra, kiểm soát dọc hai tuyến sông Mã, sông Chu về hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông.
Đồng chí Hoàng Trọng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường đến các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần phát triển bền vững. Thường xuyên chỉ đạo công tác tổng vệ sinh môi trường định kỳ, nhất là các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng của huyện. Đồng thời, chỉ đạo xử lý chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt đúng quy định, hợp vệ sinh. Đi đôi với đó, bám sát chương trình, kế hoạch nhiệm vụ năm 2023 của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cụ thể hóa chương trình nhiệm vụ, công tác của huyện để tạo bước đột phá về sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường trên địa bàn. UBND huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường. Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường của UBND cấp xã; việc quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. UBND huyện phân công cán bộ bám sát cơ sở, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn; kiên quyết xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, giám sát, theo dõi, xử lý nghiêm minh các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không rõ nguồn gốc. Chi cục Thuế khu vực Yên Định – Thiệu Hóa siết chặt công tác quản lý doanh thu, sản lượng, đơn giá cát, sỏi để thu thuế, phí đối với các đơn vị, cá nhân khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan đối chiếu sản lượng kê khai, quyết toán thuế. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ việc mua bán vật liệu xây dựng từ các bãi tập kết, khai thác; kiểm tra, xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện nhưng kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường không đúng với sản lượng khoáng sản khai thác thực tế và các đơn vị nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các xã, thị trấn có mỏ cát, bãi tập kết cát được cấp phép thực hiện nghiêm việc quản lý, khai thác, kinh doanh theo quy định của pháp luật; làm tốt việc kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển kinh doanh cát của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm,… UBND các xã, thị trấn dọc tuyến sông Chu, sông Mã thực hiện việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, đồng thời, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản nghiêm túc chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khai thác cát. Đi đôi với đó, huyện tiếp tục đôn đốc các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ và kế hoạch thu hồi đất giải phóng mặt bằng các dự án đấu giá đất đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Bài và ảnh: Gia Huy