Nhiều năm về trước, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Thiệu Hóa diễn biến hết sức phức tạp với không ít hành vi vi phạm. Với sự chỉ đạo quyết liệt, cùng nhiều giải pháp mạnh được cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thời gian qua ngày càng đi vào nền nếp.
Hoạt động vận chuyển tại bãi tập kết, kinh doanh cát thuộc địa bàn thị trấn Thiệu Hóa.
Trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có 2 con sông chảy qua đó là sông Chu và sông Mã. Theo đó trên tuyến sông Chu có 6 điểm mỏ khai thác cát, sỏi lòng sông được cấp phép hoạt động; trên sông Mã có 2 điểm mỏ được cấp phép. Cùng với đó, toàn huyện có 10 bãi tập kết cát và 4 mỏ khai thác đá được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác và cho thuê đất phục vụ công tác khai thác khoáng sản. Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, quá trình khai thác từ nhiều năm qua đã khiến trữ lượng tài nguyên cát khai thác giảm đi nhiều; trên sông Chu, sông Mã có nhiều đoạn đê xung yếu, đoạn cong; các điểm đánh giá có trữ lượng khoáng sản được khảo sát đánh giá, theo quy định đều đã có đơn vị khai thác; việc khai thác khoáng sản đã ảnh hưởng đến bờ bãi sông, dòng chảy, thủy văn gây sạt lở ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp (mỏ 2, xã Tân Châu). Vì vậy trên 2 tuyến sông hiện nay không còn vị trí phù hợp để thực hiện thăm dò khai thác, vị trí khoáng sản khác.
Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, UBND huyện Thiệu Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong hoạt động này; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra khai thác tài nguyên khoáng sản. Tính riêng năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, UBND huyện Thiệu Hóa đã phối hợp với các sở, ban, ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, cũng như bất thường khi có thông tin phản ánh việc chấp hành quy định pháp luật đối với 8 mỏ khai thác cát và 10 bãi tập kết cát trên địa bàn huyện.
Qua kiểm tra, có thời điểm tới 6 đơn vị mỏ phải dừng hoạt động do không đảm bảo về thủ tục, cũng như việc khắc phục hậu quả do quá trình khai thác trước đó. Cũng qua kiểm tra, UBND huyện kiên quyết xử lý đối với những đơn vị cố tình vi phạm hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Đơn cử như, ngày 28-12-2022, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa ban hành Quyết định số 5272/QĐ-XPHC xử phạt hành chính đối với Công ty CP Vĩnh An (có địa chỉ tại thôn Đại Đồng, xã Thiệu Giao) đã thực hiện hành vi khai thác khoáng sản không đúng khung giờ khai thác; chưa đủ số lượng mốc cắm tại khu vực được phép khai thác khoáng sản theo quy định, với tổng mức phạt 65 triệu đồng. Gần đây, ngày 22-2-2023, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa ban hành Quyết định số 472/QĐ-XPHC xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Giao (thôn 5, xã Tân Châu) đã thực hiện hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổng khối lượng khoáng sản khai thác tại thời điểm phát hiện dưới 10 m3…
Việc tăng cường kiểm tra phát hiện và xử phạt vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, kinh doanh khoáng sản trong thời gian qua của huyện Thiệu Hóa đã góp phần đưa hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn đi vào nền nếp, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cơ bản được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, công tác thẩm định, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản được thực hiện chặt chẽ theo đúng các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản cũng được huyện quan tâm và chỉ đạo thực hiện đúng quy định. Đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thiệu Hóa cho thấy, trong năm 2022 các điểm mỏ khai thác, bãi tập kết trên địa bàn huyện đều chấp hành tốt không có phản ánh của người dân cũng như các sự cố môi trường xảy ra trong quá trình khai thác. Đối với chất thải nguy hại (can dầu, giẻ lau,…) các đơn vị đã hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện việc thu gom xử lý theo quy định. Rác thải sinh hoạt và rác thải phát sinh khác tại các vị trí điểm mỏ các đơn vị khai thác cũng thực hiện thu gom, xử lý, vận chuyển, cùng rác thải tại các địa phương nơi có điểm mỏ. Tuy nhiên, bụi khí phát sinh tại các điểm mỏ đá, mỏ cát, bãi tập kết cát chưa được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường không khí, nhất là những ngày gió thổi mạnh, gây mất mỹ quan. Nước rò rỉ tại các bãi tập kết, các mỏ khai thác vẫn chảy ra tự nhiên mà chưa được xử lý…
Để đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện đi vào nền nếp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thiệu Hóa cho biết, trong thời gian tới cùng với việc phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện Thiệu Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ từ huyện đến các xã. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kiên quyết xử lý đối với những đơn vị cố tình vi phạm trong khai thác khoáng sản và tập kết trái phép ảnh hưởng đến môi trường, trực tiếp làm hư hỏng hạ tầng kỹ thuật, mất an ninh trật tự gây bức xúc trong Nhân dân. Đặc biệt, tại các xã, thị trấn, UBND huyện giao trách nhiệm cho các địa phương thực hiện việc gác trực, kiểm soát vi phạm, phương tiện, đồng thời lắp đặt theo dõi hoạt động khai thác qua hệ thống camera…
Bài và ảnh: Lê Phong