Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng với những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng… Với lợi ích này, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã chú trọng hình thành các vùng chuyên canh, xây dựng MSVT.
Xã Thiệu Phúc sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích sản xuất lúa được cấp mã số vùng trồng.
Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, ngay từ khi có kế hoạch xây dựng MSVT, xã Thiệu Phúc đã giao cho HTX dịch vụ nông nghiệp – điện Thiệu Phúc xây dựng MSVT lúa với diện tích 10 ha tại thôn 2, với khoảng 50 hộ dân và HTX tham gia sản xuất. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, giám đốc HTX, cho biết: Với mong muốn qua mô hình sẽ giúp người dân áp dụng quy trình canh tác lúa cải tiến, nâng cao chất lượng gạo, HTX đã tổ chức các buổi tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia xây dựng MSVT, bên cạnh đó, tập huấn khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất thực tế. Trong quá trình thực hiện, HTX luôn đồng hành, thường xuyên kiểm tra, giám sát về quy trình kỹ thuật, cung ứng phân bón trả chậm cho người dân… Đồng thời, hướng dẫn các hộ dân thực hiện ghi chép tỉ mỉ các công đoạn bón phân, phun thuốc, thu hoạch; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được phép sử dụng, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ và đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Bà Trần Thị Lý, người dân thôn 2 hiện có diện tích lúa đang được cấp MSVT, cho biết: Tuy áp dụng nhiều kỹ thuật sản xuất còn khá mới mẻ với người dân chúng tôi, nhưng với sự hướng dẫn nhiệt tình của chính quyền địa phương, HTX, với điều kiện thời tiết thuận lợi nên trong vụ này, diện tích được cấp MSVT năng suất dự kiến sẽ cao hơn khoảng 10% so với diện tích sản xuất lúa truyền thống; nhất là diện tích được cấp MSVT được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Thời gian tới, xã Thiệu Phúc đã có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lúa được cấp MSVT lên khoảng 20 ha.
Việc xây dựng MSVT không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Từ đó, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất và hành động của người dân, cán bộ quản lý tại các địa phương trên địa bàn huyện; mang đến tác động và hiệu quả tích cực trong nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thúc đẩy liên kết sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị bền vững. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã có hơn 50 ha cây trồng được cấp MSVT với 4 MSVT lúa, 2 MSVT dưa Kim Hoàng Hậu và 1 MSVT dưa vàng.
Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: MSVT có thể xem là chìa khóa trong việc nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản. Để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ, các địa phương, HTX về sản xuất nông sản an toàn, các yêu cầu kỹ thuật đối với vùng trồng tập trung, công tác quản lý Nhà nước trong xây dựng MSVT đối với nông sản chủ lực như lúa, rau, quả… UBND huyện đã tổ chức các buổi tập huấn về quy trình thiết lập vùng sản xuất các cây trồng chủ lực theo quy trình VietGAP hoặc tương đương, phổ biến các quy định bắt buộc của thị trường nhập khẩu như về quản lý sinh vật gây hại, quy trình giám sát đối tượng sâu bệnh hại tại vùng trồng, yêu cầu về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai xây dựng MSVT, huyện thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các trình tự, thủ tục. Đồng thời, cử cán bộ kiểm tra, giám sát vùng trồng để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện đúng theo các quy định; tuyên truyền, khuyến khích người dân tiếp tục tuân thủ đúng theo các quy định của MSVT đã được cấp.
Bài và ảnh: Lê Ngọc