Căn bệnh trầm kha
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Cà Mau – cho biết, qua giám sát cho thấy việc tuyển giáo viên các địa phương còn khó khăn. Năm 2022 nhu cầu cần tuyển dụng 772 chỉ tiêu, nhưng trúng tuyển chỉ 214 chỉ tiêu, tỉ lệ 28%. Năm 2023, có 4 huyện có nhu cầu tuyển dụng 460 chỉ tiêu, nhưng trúng tuyển 142 chỉ tiêu, tỉ lệ 31%. Năm học 2023-2024 còn thiếu 726 giáo viên, nhân viên ở mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Theo ông Nguyễn Đức Tiến, năm học 2024-2025 vấn đề thiếu giáo viên ở những trường hợp nêu trên sẽ còn diễn ra và tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục.
Huyện Năm Căn là đơn vị điển hình của việc thiếu giáo viên nhưng tuyển mãi không ra. Năm học 2023-2024 huyện có 30 trường và 11 điểm trường lẻ, 314 lớp, 9.604 học sinh, 662 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. So với biên chế theo quy định, toàn huyện thiếu 116 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Tỉnh Cà Mau cho phép huyện tuyển giáo viên, nhân viên, nhưng tuyển dụng được 12 người. Nguyên nhân do không có nguồn giáo viên tuyển dụng; giáo viên bỏ việc do mức lương chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, áp lực công việc; giáo viên chuyển công tác đoàn tụ gia đình. Đã vậy, năm học 2022-2023, huyện có 25 giáo viên chuyển đi nơi khác. Nghĩa là số tuyển dụng bằng 1/2 số chuyển đi khiến cho tình trạng thiếu giáo viên càng thêm trầm trọng.
Biết bệnh, khó bốc thuốc
Ông Võ Văn Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn cho biết: “Khó khăn nhất của huyện là thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học. Anh em mời gọi, thỉnh giảng giáo viên cũng gặp vô cùng khó khăn vì không có giáo viên đủ chuẩn để mà thỉnh giảng”.
Ông Nguyễn Đức Tiến đưa ra hàng loạt nguyên nhân như: Chuyển công tác, bỏ việc, đến tuổi nghỉ hưu tăng nhanh (bình quân 2 năm gần đây trên 140 giáo viên/năm), lương, phụ cấp ưu đãi nghề của giáo viên, nhất là mầm non và nhân viên còn thấp.
Ông Nguyễn Đức Tiến thông tin: Trước đây, ở nhiều cấp xã của tỉnh Cà Mau thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển đã thu hút số lượng lớn giáo viên từ ngoài tỉnh, huyện về địa phương công tác. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, không còn nằm trong danh sách vùng đặc biệt khó khăn nên các chế độ phụ cấp mang tính đặc thù không còn. Một số giáo viên có nhu cầu về đoàn tụ gia đình hoặc chuyển đến nơi có điều kiện cho con mình được hưởng chất lượng giáo dục tốt hơn.
Để có nguồn giáo viên, việc cần thiết là hướng nghiệp con em địa phương theo học ngành sư phạm. Nhưng để vào sư phạm không phải dễ.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị ngành giáo dục tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và giáo viên hiện có để tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, bảo đảm số lượng, chất lượng; sắp xếp, điều chuyển giáo viên phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trong địa bàn bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ.
Tăng cường mời gọi, thu hút các nguồn lực xã hội hoá, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 và định hướng năm 2030.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/thieu-giao-vien-tram-trong-ca-mau-tuyen-mai-khong-xong-1379798.ldo