Nhưng thật thất vọng khi dự án bất động suốt bao nhiêu năm, nói trắng ra là nó đã bị khai tử. Nguyên nhân là gì, chủ đầu tư trả lời báo chí là vướng quá nhiều thủ tục, hồ sơ bị “ngâm”, dự án bị kéo dài, đội vốn. Và từ đó đến nay, nhiều dự án đầu tư bãi đỗ xe cũng chỉ nghe trên báo đài, còn ngoài đường thì xe vẫn chen chúc vì thiếu chỗ đỗ. Có nhiều tuyến đường, lề đường trở thành bãi đỗ xe máy, ôtô, vừa chiếm không gian dành cho người đi bộ, vừa làm mất mỹ quan đô thị.
Số lượng xe máy, ôtô tăng từng ngày, đó là nhu cầu sử dụng phương tiện của người dân. Đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, mật độ phương tiện giao thông đã quá dày đặc, thì việc tăng lượng xe máy, ôtô càng thêm áp lực. Đường sá chật hẹp, lại thêm nhiều xe cộ đỗ hai bên đường, khiến cho hẹp càng hẹp hơn, ùn tắc càng ùn tắc hơn. Nhưng không đỗ hai bên đường thì xin hỏi đỗ ở đâu?
Có điều, mặt đường có giới hạn, đất không "đẻ" ra được, nhưng xe máy, ôtô thì được sản xuất và tung ra thị trường từng ngày.
Ai cũng biết, nếu có các bãi đỗ xe phân bố hợp lý trong thành phố, đặc biệt là ở khu vực nội thành, thì sẽ hạn chế tối đa tình trạng ôtô chiếm không gian mặt đường. Nhưng từ cái biết đến thực tế lại là chuyện khác. Mấy chục năm qua, TPHCM chưa thực hiện được dự án bãi đỗ xe ở các điểm quy hoạch là do có tầm nhìn, nhưng không triển khai thực hiện được. Tất nhiên, cái dân cần là sản phẩm, không phải là "tầm nhìn".
Muốn có sản phẩm thì phải mời gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án bãi đỗ xe, khai thác chiều cao và không gian ngầm. Nhưng qua các dự án bị treo, cho thấy doanh nghiệp gặp quá nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án. Cho nên, chính quyền các địa phương cần có sự tháo gỡ thủ tục, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp thực hiện dự án.
Chỉ cần có chính sách hỗ trợ và ưu đãi hợp lý, thủ tục nhanh gọn thông suốt, thì sẽ có nhiều nhà đầu tư nhảy vào sân chơi này. Còn làm khó thì doanh nghiệp sẽ quay lưng.
Source link
Bình luận (0)