Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đề xuất cho phép chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu câu hỏi, thời gian qua, dư luận rất bức xúc trước tình trạng thu sai bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh cá thể. Đại biểu đề nghị đưa ra hướng giải quyết trong thời gian tới.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2003, Việt Nam có chủ trương mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn cho một số tỉnh, thành phố về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, 54 tỉnh, thành phố đã thực hiện thu bảo hiểm của hơn 4.200 đối tượng từ năm 2003, đến năm 2016 đã dừng lại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 1.330 đối tượng vẫn nộp bảo hiểm tiếp đến năm 2020.
Theo Bộ trưởng Tài chính, nếu xét về bản chất và đạo lý không có gì sai, nhưng xét về quy định pháp luật vẫn vướng mắc. Cụ thể, quy định pháp luật bảo hiểm xã hội là phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm. Nhưng ở đây, các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết mà chỉ có hợp đồng của họ với nhân viên. Do đó, những nhân viên này đủ điều kiện để được nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đối với các chủ hộ không có giao kết hợp đồng với ai, nên không được nộp bảo hiểm.
“Những đối tượng này vừa là chủ hộ, vừa là người lao động, họ có thu nhập. Việc được tham gia bảo hiểm có thể coi là chấp nhận được, nhưng pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho biết, tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính sẽ trao đổi với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để sửa Luật theo hướng cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bổ sung thêm ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại phiên chất vấn về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, gói hỗ trợ người lao động đang được thiết kế để trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội với việc chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo giúp người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
“Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến những khó khăn hiện hữu và bằng mọi cách đề xuất giải pháp hỗ trợ cho người lao động”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề đào tạo nghề, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đào tạo nghề phải gắn với thị trường, nắm bắt được xu hướng thị trường để đào tạo nghề có đủ kỹ năng đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. Việc sắp xếp các trường nghề nên theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp và hiện đại.
Đào tạo theo nhu cầu gắn với sự phát triển của địa phương
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đánh giá, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm có mặt còn hạn chế. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới”, đại biểu chất vấn.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ đã thiết kế phát triển khu vực kinh tế nông thôn gắn với nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lao động nông nghiệp, lao động phi nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thiết kế hệ thống chương trình từ nhu cầu lao động xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương của từng cấp xã, cấp huyện, tỉnh. Bộ trưởng khẳng định, đào tạo nghề nông thôn không chỉ là đào tạo nghề nông, mà đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Căn cứ vào nhu cầu của địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung đào tạo theo nhu cầu gắn với sự phát triển của địa phương. Bộ đề ra kế hoạch tái cấu trúc đào tạo nghề nông thôn gắn với sự phát triển nông thôn. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong những giải pháp đầu tiên là nâng cao năng lực của người nông dân, gắn liền giữa kiến thức và kỹ năng làm nghề nông cũng như những ngành nghề phi nông nghiệp, với tư duy của nền kinh tế nông nghiệp chứ không chủ là tư duy sản xuất nông nghiệp. Do vậy, cần đào tạo theo chuỗi ngành hàng từ sản xuất, đến bảo quản, thu hoạch, chế biến, thương mại điện tử; mỗi khâu có ngành nghề kèm theo…. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng 5 vùng nguyên liệu và đào tạo theo đúng quy trình để phát huy tất cả nguồn nhân lực phục vụ cho vùng nguyên liệu.
Bộ cũng cấu trúc lại hệ thống các trường của Bộ, trong đó đã đặt hàng, giao nhiệm vụ, gắn với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bộ yêu cầu các trường, viện nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đây cũng là cách để đào tạo nghề cho nông dân, để người nông dân nhận những giải pháp hữu ích, được đào tạo, sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức