Thiệt hại 160 triệu USD mỗi giờ Facebook sập
Tối 5.3, các dịch vụ mạng xã hội của Meta gồm Facebook, Messenger, Instagram mất kết nối diện rộng, có thể quy mô toàn cầu. Dù chỉ kéo dài khoảng 1 giờ (từ 22 giờ tới 23 giờ Việt Nam), trang DownDetector thống kê có khoảng 500.000 người dùng Facebook đã báo cáo sự cố văng tài khoản, không thể đăng nhập trở lại. Các báo cáo lỗi tương tự cũng xuất hiện với Messenger và Instagram với lần lượt là 10.000 và 50.000.
Do xảy ra ngoài giờ hành chính và đã khuya tại Việt Nam, các chuyên gia trong nước đánh giá sự cố không gây quá nhiều tác động đến hoạt động làm việc, kinh tế. Thay vào đó chỉ gây gián đoạn nhu cầu giải trí, kết nối của người dùng vì quãng giờ này đa phần dành thời gian nghỉ ngơi, chỉ một số ít còn làm việc.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự cố kéo dài một giờ có tác động đến hoạt động kinh doanh, buôn bán đang diễn ra trên nền tảng này tại thời điểm xảy ra trục trặc. Trong đó, dịch vụ quảng bá sản phẩm sẽ bị tác động trước tiên thông qua việc giảm mức độ tương tác cũng như lưu lượng truy cập vào địa chỉ hoặc sản phẩm đích, trực tiếp gây sụt giảm doanh số trong khi số tiền bỏ ra chạy quảng cáo vẫn “bị cắn” (khấu trừ vào tài khoản của người chạy quảng cáo).
Theo đánh giá của chuyên trang công nghệ Mashable, các doanh nghiệp nhỏ và đơn vị kinh doanh lẻ là những người bị ảnh hưởng đầu tiên từ sự cố sập Facebook. “Doanh số bán hàng của tôi giảm còn 1/4”, Lucy Jeffrey, nhà sáng lập hãng tất sợi tre chia sẻ với Mashable. Sự cố cũng khiến Lucy nhận thấy cần phải xem xét lại hoạt động kinh doanh để giảm mức độ phụ thuộc vào nền tảng này, nhất là khi toàn bộ ngân sách quảng cáo đều dồn vào mạng xã hội lớn nhất thế giới.
NetBlocks – tổ chức giám sát trực tuyến và quản trị internet từng ước tính với mỗi giờ Facebook, Messenger, Instagram dừng hoạt động sẽ gây ra thiệt hại khoảng 160 triệu USD đối với nền kinh tế toàn cầu vì hoạt động giao dịch, buôn bán bị ngưng trệ trong quãng thời gian này. Ngoài ra, việc không thể kết nối giữa người mua với người bán cũng gây ra nhiều hệ quả.
Sau khi sự cố này xảy ra, cổ phiếu Meta – công ty mẹ của Facebook, giảm 1,6%, trong khi đó tài sản của CEO Mark Zuckerberg “bốc hơi” 2,8 tỉ USD.
Tìm cách giảm phụ thuộc
Giống như Lucy, nhiều người Việt khi nhìn lại sự hốt hoảng của mình trong quãng thời gian không thể vào Facebook hay Messenger cũng nhận ra đã tới lúc giảm sự phụ thuộc lên nền tảng này. Với thói quen chia sẻ quá nhiều thông tin trên Facebook, nhiều người đã tỏ ra lo lắng về nguy cơ bị tấn công mạng, rủi ro đánh cắp dữ liệu khi đột nhiên thấy tài khoản mình bị “out”.
Mạnh Quân (Hà Nội) cho biết anh lo lắng tài khoản mình bị hack rồi lợi dụng để lừa đảo bạn bè, người thân chứ không lo bị xóa. “Tôi đã nhiều lần tìm cách giảm phụ thuộc vào nền tảng này, chuyển sang sử dụng các ứng dụng phục vụ cho mục đích nhắn tin khác như Telegram, Viber, iMessage… Messenger vẫn dùng để trao đổi, liên lạc chính nhưng luôn có phương án dự phòng, còn Facebook thì đã gỡ khỏi điện thoại chính từ lâu”, Quân chia sẻ.
Còn với chị Thanh Hoàn (Hà Nội), mất Facebook sẽ kéo theo nhiều rắc rối. “Các khách hàng của tôi chủ yếu chốt đơn qua Facebook. Nhiều khách quen thường cộng dồn vài đơn thanh toán một lần. Tôi mất ngủ vì lo mất tài khoản Facebook, không biết mình sẽ bán hàng, kinh doanh kiểu gì. Đến sáng nay bình tâm lại, tôi cũng phải tính toán chuyển sang Zalo dự phòng kẻo lỡ gặp sự cố tương tự vừa mất hết khách, vừa mất tiền”, chị Hoàn chia sẻ.
Quãng thời gian sập Facebook, nhiều người Việt cũng đổ dồn sang các ứng dụng OTT phổ biến như Zalo, Telegram để trao đổi với bạn bè hay tiếp tục công việc. Điều này cho thấy nhiều người đã chuyển đổi và mở rộng công cụ kết nối để tránh sự phụ thuộc, tập trung vào nền tảng duy nhất.
Trong quá khứ, một số dịch vụ của Meta cũng gặp sự cố ngừng hoạt động, trong đó đáng chú ý nhất là vào tháng 10.2021 khi ảnh hưởng đến người dùng toàn cầu trong hơn 7 tiếng. Meta sau đó giải thích nguyên nhân của sự cố bắt nguồn từ một thiết lập sai trên các bộ định tuyến chính có nhiệm vụ điều phối lưu lượng giữa các trung tâm dữ liệu của Facebook, khiến các dịch vụ của hãng ngừng hoạt động. Nhiều khả năng Meta cũng sẽ sớm đăng tải báo cáo giải thích nguyên nhân của sự cố lần này.