Theo dự báo của các chuyên gia an ninh mạng Kaspersky, những thiết bị thông minh như smartphone, thiết bị đeo thông minh và thiết bị gia dụng thông minh… sẽ là mục tiêu tấn công của tin tặc trong năm 2024.
Trí tuệ nhân tạo được dự đoán sẽ trở thành trợ thủ đắc lực của tin tặc trong năm 2024. |
Cụ thể, nhóm Nghiên cứu và Phân tích toàn cầu của hãng bảo mật Kaspersky đã đưa ra các dự đoán về mục tiêu của những cuộc tấn công có chủ đích (APT) trong năm 2024.
Theo những chuyên gia bảo mật của Kaspersky, tin tặc sẽ khai thác những lỗ hổng bảo mật để thâm nhập vào các thiết bị thông minh như smartphone, thiết bị đeo thông minh và thiết bị gia dụng thông minh… để hình thành mạng lưới botnet phục vụ cho những cuộc tấn công lừa đảo.
Những chuyên gia cảnh báo tin tặc cũng sẽ lợi dụng những chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để dễ dàng soạn thảo các tin nhắn lừa đảo. Thậm chí, AI có thể học theo cách soạn tin nhắn của một cá nhân để tạo ra các nội dung tin nhắn lừa đảo với cách viết giống người quen của nạn nhân, giúp tăng tỷ lệ lừa đảo thành công.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa tin tặc (hacktivism) cũng sẽ trở nên phổ biến hơn, trong bối cảnh một số nơi trên thế giới xảy ra xung đột chính trị. Việc gia tăng hoạt động hacktivist, vừa mang tính phá hoại và vừa mục đích truyền bá thông tin sai lệch, phá hủy cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và không gian mạng.
Kaspersky cũng đưa ra dự báo sự gia tăng của những dịch vụ hack theo nhu cầu trong năm 2024, là những nhóm tin tặc nhận tiền để tấn công các mục tiêu theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, những cuộc tấn công nhằm vào những chuỗi cung ứng hoặc mã độc nhắm vào hệ điều hành Windows cũng sẽ có sự gia tăng vào năm 2024.
Để đảm bảo việc an toàn cho dữ liệu cá nhân hoặc doanh nghiệp, người dùng nên cài đặt những phần mềm bảo mật trên máy tính, tự trang bị cho mình các kiến thức cơ bản về bảo mật, giúp tránh trở thành nạn nhân của tin tặc.