(HBĐT) – Trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam sinh ra và nuôi dưỡng nhiều anh hùng dân tộc mà tên tuổi đã trở thành bất tử. Triệu Thị Trinh, nữ tướng mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trắng xông pha trận mạc, đánh đuổi giặc Ngô đã được mọi thế hệ người dân Việt Nam biết đến và tự hào. Bà là biểu tượng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường không ngại hiểm nguy trước kẻ thù xâm lược.
Đền Bà Triệu là một trong những di tích có cảnh quan, kiến trúc đẹp nhất của tỉnh Thanh Hóa.
“Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi đâu chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”. Từ học sinh tiểu học, rồi đến các cấp học cao hơn, qua học môn Lịch sử, câu nói đanh thép, đầy khí phách của Bà Triệu đã được bao thế hệ học trò biết đến và ghi nhớ, đó như sự trao truyền ngọn lửa yêu nước.
Ngược dòng lịch sử, Bà Triệu tên là Triệu Thị Trinh hay còn có tên Triệu Trinh Nương. Bà sinh ngày 2/10 năm Bính Ngọ (tức năm 226) ở huyện Quân An, quận Cửu Chân (nay thuộc xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Chứng kiến cảnh quê hương bị quân thù dày xéo, cuộc sống người dân lâm cảnh lầm than, năm 19 tuổi, người con gái má đào ấy cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt tập hợp nghĩa sỹ trên đỉnh núi Nưa mài gươm, luyện võ chuẩn bị khởi nghĩa. Nhân dân khắp vùng nô nức hưởng ứng khát vọng đánh giặc, cứu nước của anh em họ Triệu.
Cuộc khởi nghĩa do Bà Triệu lãnh đạo được ví đã làm “chấn động Giao Châu”, tạo nỗi khiếp đảm cho giặc Ngô. Sử sách ghi lại: Sau khi chọn núi Nưa làm căn cứ xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa, Bà Triệu đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy, tiến công các quận, huyện của bọn quan lại nhà Ngô. Nghĩa quân đánh thắng quân Ngô nhiều trận, giết chết viên thứ sử Giao Châu. Khắp 2 quận Giao Chỉ, Cửu Chân đều nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Trước sức mạnh của nghĩa quân, nhà Ngô lo sợ phải phái viên danh tướng Lục Dận làm thứ sử Giao Châu, đem theo 8.000 quân sang nước ta đàn áp phong trào khởi nghĩa. Lục Dận một mặt ra sức trấn áp nhân dân, mặt khác dùng thủ đoạn xảo quyệt là tiền bạc, vật phẩm, hứa ban chức tước cho các thủ lĩnh địa phương. Từ đó nhiều thủ lĩnh ở Giao Chỉ đã quy thuận giặc. Nghĩa quân Bà Triệu rơi vào tình trạng cô lập.
Trận đánh cuối cùng diễn ra vào ngày 22/2 năm Mậu Thìn (năm 248), Bà Triệu đã anh dũng hy sinh tại núi Tùng ở Bồ Điền (nay thuộc xã Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) khi bà vừa tròn 23 tuổi.
Người đời sau tưởng niệm Bà Triệu đã xây dựng lăng mộ trên đỉnh núi Tùng và lập đền thờ ở sườn núi Gai, xã Triệu Lộc. Ngôi đền khởi dựng từ thời tiền Lý Nam Đế và được trùng tu nhiều lần. Lần gần đây nhất đền được trùng tu, tôn tạo vào năm 2008.
Thăm đền thờ Bà Triệu, nhiều người xúc động, cảm phục và tự hào về người nữ anh hùng dân tộc đã sáng tác nhiều bài thơ, văn về bà. Trong số đó có bài “Bà Triệu anh hùng” với những dòng thơ tràn cảm xúc: “Đền thờ Bà Triệu bên đường/Bắc – Nam qua lại bốn phương tự hào/Anh hùng nữ tướng má đào/Cưỡi voi đánh giặc kém nào tướng nam/Thương dân chìm đắm lầm than/Phất cờ diệt lũ tham tàn giặc Ngô…”
Theo giới thiệu của cán bộ Ban quản lý di tích, ngôi đền được quy hoạch trên diện tích 3,8 ha, xây dựng theo kiến trúc “Nội công ngoại quốc”, hướng về phía Bắc. Hệ thống thờ trong đền sắp xếp theo quy luật thờ anh hùng dân tộc. Từ phía ngoài vào trong gồm có: Nghi môn ngoại – hồ sen – bình phong – nghi môn trung – sân dưới – nghi môn nội – sân trên (hai bên có tả hữu mạc) – tiền đường – sân thượng – trung đường – sân thiên tỉnh – hậu cung. Hậu cung là công trình có địa thế cao nhất, dựa lưng vững chãi vào núi Gai.
Nhà hậu cung có kiến trúc gỗ ba gian hai chái, hai tầng mái cong với 4 vì kèo gỗ cấu trúc đăng đối nhau, có kết cấu “Giá chiêng chồng rường, kẻ bẩy”, 4 hàng chân cột. Hệ vì kèo được đỡ bởi hệ thống các cột. Hoa văn trang trí trên các hệ khung là các bức trạm nổi, trạm bong hình rồng, lá cúc to bản, hoa sen, lá cúc leo. Trang trí nề ngõa hình tượng rồng ở kìm nóc, kìm nóc mái và rồng bậc thềm. Ở gian giữa trong cùng là nơi đặt hương án (phía trên đặt long ngai bài vị Bà Triệu và đồ thờ); hai bên hương án là lọng thờ… Đặc biệt, ở hậu cung có một số câu đối, đại tự nội dung nêu gương sáng và ca ngợi công đức của Bà Triệu đối với quê hương. Cũng từ công đức to lớn, Bà Triệu đã trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được các vương triều phong kiến phong “Thần” và trở thành nữ anh hùng dân tộc tiêu biểu của đất nước qua mọi thời đại.
Cùng với hậu cung, các công trình của đền được quy hoạch hài hòa, cảnh quan đẹp, xanh mát nhưng hết sức uy nghi, linh thiêng. Chính vì vậy, đền Bà Triệu được đánh giá là một trong những di tích có cảnh quan, kiến trúc đẹp nhất của tỉnh Thanh Hóa. Năm 2015, nơi đây được đón Bằng Di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Thu Hiền