Cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024 chính thức được phát động và nhận bài vào ngày 27/3/2024. Chỉ sau chưa đầy 1 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được gần 200 bài dự thi từ bạn đọc khắp mọi miền với đầy đủ mọi lứa tuổi.
Nhiều câu chuyện về tình cha con đã được chắp bút. Đó là những kỉ niệm khó quên khi con chập chững bước đi, là tiếng bi bô lần đầu con gọi bố, là những dấu ấn trong hành trình trưởng thành của con hay bức thư trước ngày ba đi xa,…
Đáng chú ý, trong số những tác phẩm đã gửi về tòa soạn, có không ít bài dự thi kể về khoảnh khắc con gái chào đời. Nếu như người mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày thì người ba cũng vất vả từng ấy thời gian với những chờ mong, háo hức.
Vì lẽ đó mà hình ảnh, âm thanh bé yêu chào đời sẽ mãi mãi tồn tại trong tâm trí của họ tới suốt cuộc đời. Khoảnh khắc được ngắm nhìn cô con gái bé nhỏ chào đời, nghe con cất tiếng khóc, nhìn thấy mái tóc tơ mềm của con, đôi bàn chân bé xíu tròn tròn…, tất cả đẹp long lanh trong mắt người cha.
“Con ra đời trong nỗi chờ mong của mẹ
Con ra đời trong niềm hy vọng của cha
Con là bông hoa, suốt đời thơm ngát tâm hồn mẹ
Con là mặt trời, bốn mùa sưởi ấm trái tim cha.”
Đó là những dòng thơ mộc mạc nhưng chất chứa tình cảm, niềm hy vọng xen lẫn sự xúc động của tác giả Đại tá Đỗ Phú Thọ – Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân khi nghe tin con gái Hải Hà chào đời.
Vì chẳng thể chứng kiến tâm mắt giây phút thiêng liêng này nên trong lòng người cha ấy luôn chất chứa một nỗi niềm. “Nhiệm vụ của người sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã không cho phép bố được chứng kiến giây phút con ra đời. Bố hy vọng sau này, lớn lên, con sẽ hiểu và cảm thông cho bố”, tác giả Đỗ Phú Thọ chia sẻ trong bài dự thi “Con là mặt trời bốn mùa sưởi ấm trái tim cha”.
Đó là chia sẻ của cá nhân anh nhưng có thể cũng là tâm sự của không ít người làm cha khác. Bên cạnh đó cũng có những người cha lại trải qua khoảnh khắc thiêng liêng này với cảm giác bồn chồn, thấp thỏm, thậm chí là lo sợ.
Trong bài dự thi “Cảm xúc!”, tác giả Trần Hữu Phước (Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) kể, ngày vợ anh chuyển dạ, bác sĩ thông báo thai ngôi ngược, sinh khó, khi sinh rất nguy hiểm vì bệnh viện miền núi lúc bấy giờ phương tiện cấp cứu còn rất lạc hậu. Lòng người cha lúc ấy như “lửa đốt”, chẳng thể làm gì ngoài việc cầu nguyện.
Anh viết: “Đứng ngoài phòng sinh, ba tự dặn lòng phải thật bình tĩnh để vượt qua thời khắc nguy nan này, cầu mong mọi sự bình yên. Các y, bác sĩ đã hết sức cố gắng, nhưng con vẫn bị ngạt ít nhiều khi sinh ra. Người con tím tái, nhịp thở yếu ớt và không chịu bú”.
Thời điểm đó, không có lồng ấp chăm sóc đặc biệt trẻ sơ sinh, vợ chồng anh chỉ biết ôm con và chờ đợi.
“Thời gian chậm chạp trôi qua cho đến khuya. Bỗng mẹ quay sang ba nói nhỏ: “con bú được rồi anh”. Chỉ một câu ngắn ngủi vậy thôi đã đem đến cho ba một cảm xúc không thể nào tả được, nỗi lo âu đè nặng trên tâm trí ba đã vơi bớt phần nào. Con bú được là sự sống đang hồi sinh, là niềm hy vọng sẽ lóe sáng trong những ngày sắp tới”, tác giả Trần Hữu Phước chia sẻ.
Không được may mắn ở bên khi con chào đời nhưng chung dòng cảm xúc của người cha viết về giây phút đón con gái, bài dự thi của tác giả Nguyễn Văn Tọa (Hà Nội) khiến nhiều đọc giả nghẹn ngào. Con gái đến với gia đình anh sau cả chuỗi ngày đằng đẵng mong mỏi của cả nhà. Không biết bao lần hai vợ chồng hy vọng để rồi lại thất vọng an ủi nhau: “Chắc con mình còn đang mải chơi đâu đó, mình ráng chờ đợi nghe em”.
Chính vì vậy, khi vợ mang thai con gái đầu lòng, người cha ấy không khỏi mong mỏi từng ngày. Thế nhưng, chỉ 2 tháng trước khi con gái chào đời, tác giả Nguyễn Văn Tọa phải thực hiện nhiệm vụ ở một tỉnh phía Nam xa xôi.
“Cả tuần bố mới được ra khỏi đơn vị để tranh thủ gọi điện và gửi thư về cho mẹ con. Bố không được chứng kiến giây phút con chào đời, khoảnh khắc thiêng liêng nhất của lần đầu làm cha, đó là nỗi thiệt thòi lớn nhất của bố và cũng là của hai mẹ con.
Không hiểu sao cái buổi tối ấy, ruột gan bố cứ nóng như lửa đốt, bố đã xin thủ trưởng đơn vị được gọi điện về nhà và biết con vừa chào đời lúc 21 giờ 15 phút. Và bố đã tin vào “thần giao cách cảm” của mối quan hệ máu mủ ruột rà.
Vậy là mong ước “mẹ tròn con vuông” của bố mẹ đã thành hiện thực. Bố trở về phòng mà cứ khóc rưng rức trước những ánh mắt cảm thông của đồng đội. Đúng là phải trải qua những giây phút “xa mặt mà không cách lòng” như thế bố mới cảm nhận được giá trị của hạnh phúc quý giá đến nhường nào…”, tác giả kể lại câu chuyện của mình.
Mỗi người một tâm, trạng, cảm xúc khác nhau khi họ trở thành những người cha trong khoảnh khắc chào đón con gái nhưng có thể thể thấy niềm vui lớn lao xen lẫn hạnh phúc là điều dễ bắt gặp ở họ. Những cảm xúc này thật khó nói thành lời và chỉ khi ở cuộc thi “Cha và con gái” họ mới được nói ra, được giãi bày một cách thật tự hào đúng như Triết gia Cicero đã nói: “Trên Trái Đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha cho con mình”.
Với những ý nghĩa đó, cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024 đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả Gia đình Việt Nam trong và ngoài nước với những tác phẩm chan chứa tình cảm gia đình.
Thể lệ cuộc thi viết chủ đề “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024
Yêu cầu đối với bài dự thi
– Bài dự thi phải là những bài viết chưa đăng phát trên bất kỳ phương tiện truyền thông báo, đài hay mạng xã hội và chưa tham gia dự thi ở các cuộc thi khác. Viết về những câu chuyện có thật do tác giả là nhân vật hoặc người chứng kiến, những kỷ niệm, lời tâm tình, tự sự của cha dành cho con gái và ngược lại được thể hiện dưới dạng bài ghi chép, phóng sự, phỏng vấn, tản văn, nhật ký… Ban tổ chức khuyến khích các tác giả sử dụng hình ảnh thật của các nhân vật trong bài dự thi.
– Bài viết thể hiện bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 – 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
– Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi và phải chịu trách nhiệm về độ chân thực, tính chính xác về nội dung. Cấm sao chép, đạo văn của người khác dưới mọi hình thức.
– Bài dự thi được chọn đăng trên Tạp chí Gia đình Việt Nam sẽ được trả nhuận bút theo quy định và thuộc sở hữu của tòa soạn; tác giả không có quyền khiếu nại về bản quyền.
Đối tượng dự thi: Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước trừ những người là nhân sự của Ban Tổ chức, Ban giám khảo, các đơn vị tài trợ, đồng hành cùng cuộc thi.
Thời gian và địa chỉ nhận bài dự thi
– Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 27/03/2024 đến ngày 10/06/2024 tính theo dấu bưu điện và thời gian nhận mail. Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2024.
– Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam. Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi “Cha và con gái” kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
– Bài dự thi online gửi qua email: [email protected]
Giải thưởng
Cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024 có cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 05 giải khuyến khích và 05 giải phụ.
Ngoài giải thưởng tiền mặt, các tác giả đạt giải còn được nhận giấy chứng nhận của Ban Tổ chức, được tặng 01 quyển sách có đăng các bài dự thi cùng quà (nếu có) của nhà tài trợ.
Ban Giám khảo cuộc thi
– Nhà thơ Hồng Thanh Quang – Trưởng ban giám khảo
– Nhà thơ Trần Hữu Việt – Vụ trưởng, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân
– Nhà văn Nguyễn Một
– Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu – Báo Tiền phong
Thông tin chi tiết về cuộc thi xin liên hệ
– Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
+ Nhà báo Phan Khánh An – Tổng TKTS, Thành viên Ban tổ chức. Số điện thoại: 0975.470.476
+ Ms Bùi Thị Hải Én – Cán bộ toà soạn. Số điện thoại: 0973.957.126
– Email: [email protected].
Phương Anh