Xuất thân trong gia đình nghèo khó ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), từ nhỏ Tôn Vệ Đông (SN 1969) luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Tôn Vệ Đông khiến gia đình tự hào khi trở thành học sinh giỏi nhất trường bởi sự thông minh, nhạy bén hơn các bạn đồng trang lứa.
Đỗ đại học năm 15 tuổi
Khi mới 15 tuổi, Tôn Vệ Đông đỗ vào lớp học dành riêng cho thiên tài trẻ của trường Đại học Phúc Đán ngành Vật lý và được hướng dẫn bởi giáo sư Vật lý nổi tiếng cũng chính là hiệu trưởng nhà trường. Chàng trai trẻ khi ấy không mất nhiều thời gian để trở thành chủ nhân của những nghiên cứu khoa học xuất sắc.
Thán phục trước sự ham học hỏi và tài năng, chàng trai tỉnh Giang Tô được nhiều người phong là thiên tài Vật lý.
4 năm sau, Tôn Vệ Đông chinh phục tấm bằng đại học loại xuất sắc và học tiếp lên thạc sĩ, theo đuổi đam mê.
Chàng trai gốc Giang Tô cũng tham gia chương trình đào tạo các nhà khoa học và giáo sư đầu ngành Vật lý của Trung Quốc. Chương trình này do giáo sư Tsung Dao Lee, người từng đoạt giải Nobel sáng lập nhằm tuyển chọn nhân tài trẻ sang Mỹ du học. Tôn Vệ Đông đã viết hơn 30 bài báo trên tạp chí Đánh giá Vật lý của Anh trong khoảng thời gian này.
Tuy nhiên không rõ gì lý do gì, Tôn Vệ Đông buộc phải tạm dừng nghiên cứu Vật lý và chuyển sang học ngành Khoa học máy tính tại Đại học New York. Dù theo đuổi lĩnh vực không phải đam mê của bản thân nhưng Tôn Vệ Đông vẫn hoàn thành chương trình học xuất sắc năm 21 tuổi. Sau đó, tiếp tục chinh phục tấm bằng tiến sĩ khi tuổi đời rất trẻ.
Trong 4 năm nghiên cứu về Khoa học máy tính, Tôn Vệ Đông tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và sớm trở thành lập trình viên cao cấp. Ở tuổi 25, chàng trai khiến nhiều người ngưỡng mộ khi có công việc tuyệt vời tại một công ty công nghệ ở Phố Wall. Thời điểm đó, mức lương của Tôn Vệ Đông là 130.000-140.000 USD (tương đương 3,6 tỷ) mỗi năm. Trong khoảng thời gian làm tại Mỹ, anh cũng nhập quốc tịch nước này.
Tưởng chừng sau bao nhiêu nỗ lực học tập, nghiên cứu, người đàn ông đến từ Trung Quốc sẽ làm nên chuyện trên đất Mỹ thì biến cố ập tới.
Sống lang thang, lo ăn từng bữa nơi đất khách
Đầu năm 2024, một blogger người Mỹ gốc Hoa chia sẻ cuộc sống hiện tại của thiên tài Vật lý năm xưa lên mạng xã hội. Trong video, Tôn Vệ Đông thú nhận là người vô gia cư từ năm 2007. Nhiều người không nhận ra chàng thanh niên điển trai năm xưa giờ trở thành ông già tóc bạc, da đen, quần áo rách nát, đôi mắt vô hồn.
Từng có cuộc sống khiến bao người mơ ước, giờ đây Tôn Vệ Đông phải lang thang khắp nơi. Mùa hè ngủ trên đường phố, mùa đông sống dưới ga tàu điện ngầm, ngày chỉ ăn nửa cái bánh mì. Người đàn ông này tiết lộ, biến cố gia đình đã đẩy ông đến tình cảnh khốn khó hiện tại.
Nhiều năm trước khi gia nhập công ty công nghệ ông quen và lấy nữ đồng nghiệp. Sau bốn năm yêu nhau, vì khác biệt về văn hóa, ông và vợ phải ly hôn. Cú sốc này khiến ông trầm cảm, không thích giao tiếp với xã hội và mắc chứng ảo giác.
Bệnh tình ngày càng nặng khiến Tôn Vệ Đông không còn minh mẫn như người bình thường. “Tôi không thể phân biệt được đâu là thực tại, đâu là ảo giác”, ông nói.
Dù mối quan tâm hiện tại của ông không còn là nghiên cứu Vật lý, nhưng vốn là người học rộng hiểu cao, chỉ muốn làm việc văn phòng thay vì lao động chân tay nên nhiều năm ông qua không tìm được việc. Hơn 16 năm ăn xin trên đường phố, ông chưa từng liên lạc với người thân tại Trung Quốc.
Trong video chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc, blogger khuyên Tôn Vệ Đông xin trợ cấp Chính phủ Mỹ để có nơi cư trú, hoặc tìm việc chân tay trở lại cuộc sống bình thường.
Sau khi câu chuyện được lan truyền rộng rãi, người thân và bạn học cũ ở Trung Quốc đều nhận ra ông. Hiệp hội cựu sinh viên Phúc Đán ở Mỹ cũng lên tiếng xác nhận hoàn cảnh của người đàn ông này. Ngay sau đó, ông được đưa đến nơi ở tạm thời với đầy đủ cơ sở vật chất.
Hiệp hội cựu sinh viên Phúc Đán cũng chia sẻ ước muốn lớn nhất của ông là trở về quê hương.
Câu chuyện về cuộc đời của thiên tài Vật lý khiến cộng đồng mạng xôn xao. Nhiều người bày tỏ hy vọng ông có thể nhanh chóng được đưa về Trung Quốc để an nghỉ tuổi già.
Một số người trẻ rút ra bài học lớn khi nhìn vào cuộc đời “xuống dốc” của Tôn Vệ Đông. “Câu chuyện của anh ấy nhắc nhở tôi một lần nữa rằng học tập chỉ là một phần nhỏ trong quá trình trưởng thành suốt đời của con người. Năng lực toàn diện bao gồm cả khả năng xử lý những thất bại có lẽ quan trọng hơn”, một tài khoản bình luận.