(QNO) – Chiều nay 20/4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022; triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh tham dự.
Thiên tai bất thường
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho thấy, năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần); trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê, làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cùng với các địa phương trên cả nước, năm 2022, các tỉnh miền Trung cũng ghi nhận nhiều đợt mưa lớn trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 gây ngập lụt diện rộng từ Quảng Bình đến Phú Yên. Liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Trong đó, bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất cấp 14 – 15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ vào Đà Nẵng – Quảng Nam vào ngày 28/9/2022 gây mưa rất lớn từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi…
Riêng tại Quảng Nam, địa phương ghi nhận có 19 đợt không khí lạnh xuất hiện, đặc biệt ngay trong mùa khô tháng 3/2022 có một đợt mưa to trái mùa, gây thiệt hại rất lớn cho ngành nông nghiệp. Ngoài ra, các sông trên địa bàn tỉnh xuất hiện 7 đợt lũ sau mưa; cùng 16 đợt dông, lốc, sét làm thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở, sản xuất, chăn nuôi, hạ tầng… ước tổng thiệt hại khoảng 4.900 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển… làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, Quảng Nam triển khai nhiều hoạt động hữu ích, thiết thực theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài kịp thời sơ tán người, di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thủy sản, các địa phương xây dựng phương án đảm bảo an toàn đối với cơ sở hạ tầng, khu vực sản xuất; đồng thời vận hành hợp lý hồ chứa nước, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc thông suốt…
Ngoài ra, huy động sự vào cuộc của cộng đồng trong việc ứng phó thiên tai tại chỗ; tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng của các công trình để có hướng khắc phục, đảm bảo an toàn. Sau bão số 4, Quảng Nam phân bổ hơn 80 tỷ đồng giúp hỗ trợ khắc phục hậu quả trên các lĩnh vực giáo dục, dân sinh và khôi phục sản xuất. Hiện nay, tỉnh đang phân bổ 150 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương để khắc phục hậu quả thiên tai.
Cả nước chủ động ứng phó
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Tính đến cuối năm 2022, cả nước có 99% xã, phường thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai với hơn 774.000 người tham gia, chủ động ứng phó thiên tai. Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 1.800 tỷ đồng cho 28 tỉnh, thành phố khắc phục hậu quả thiên tai; xuất cấp 4.171 tấn gạo cho 4 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Phước.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT xuất cấp 2 tấn hạt giống rau, 3.996 tấn hạt giống lúa, 90 tấn hạt giống ngô, 80.000 liều vắc-xin, 500 tấn và 130.500 lít thuốc hoá chất sát trùng gia súc, gia cầm, thuỷ sản cho các địa phương để kịp thời ổn định sản xuất sau thiên tai với tổng giá trị khoảng 146,58 tỷ đồng…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, năm 2023, dự báo tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Vì thế, các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng các phương án cụ thể, phù hợp và kịp thời triển khai một cách hiệu quả. Đồng thời phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai tại địa phương mình.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí, bổ sung phương tiện, vật tư phục vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra…