Nơi nắng nóng như thiêu đốt, nơi bão lũ hoành hành khiến nhiều quốc gia lao đao.
Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Rome, Italia, ngày 17-7-2023. Ảnh: AFP
Cư dân thành phố Phoenix, bang Arizona, đã quen với nắng nóng, nhưng những đợt sóng nhiệt khắc nghiệt gần đây đã đẩy họ tới sát ngưỡng sinh tồn. Hiện tại đây nhiệt độ đã tăng hơn 37,7oC ngay từ sáng sớm làm nhiều người dân sốc nhiệt.
Mùa nóng ở Phoenix, thành phố có biệt danh “Thung lũng Mặt trời”, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. “Phoenix luôn nóng bức, nhưng đợt sóng nhiệt này là thảm họa tự nhiên của Arizona.
Hai tuần qua, nhiệt độ cao nhất tại thủ phủ bang Arizona luôn trên 43oC. Tình trạng nắng nóng sẽ kéo dài đến hết tuần, có thể phá kỷ lục chuỗi 18 ngày ghi nhận mức nhiệt này từ năm 1974. Nhiệt độ đỉnh điểm tại Phoenix là 47,7oC, đánh dấu ngày nóng nhất năm ở Mỹ. Giới chức thành phố trong năm nay đã ghi nhận 12 ca tử vong liên quan đến nắng nóng, 55 trường hợp khác đang được điều tra làm rõ nguyên nhân.
Văn phòng Ứng phó Nhiệt độ cao (OHRM), cho biết, số ca tử vong liên quan đến nắng nóng tăng đáng kể trong những năm gần đây, với đỉnh điểm là 425 người chết vào năm ngoái.
Không chỉ Arizona mà nhiều bang của Mỹ cũng rơi vào tình cảnh nắng nóng tương tự. Giới chức Mỹ đã lên tiếng cảnh báo hơn 80 triệu người dân nước này sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe khi nắng nóng cực đoan đang lan rộng ở khu vực.
Trong khi đó, tại Anh nhiều người cho biết họ đã thay đổi kế hoạch du lịch hoặc đi lại vì lo ngại sức khỏe và không muốn gặp sự cố trong kỳ nghỉ khi nhiệt độ tăng cao. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc đã xác nhận nhiệt độ cao nhất ở châu Âu từ trước đến nay là 48,8oC, đo được ở Sicily ngày 11-8-2021, và kỷ lục này có thể sẽ bị phá vỡ trong mấy ngày tới.
Trong khi đó, giới chức y tế trên khắp thế giới, từ Bắc Mỹ đến châu Âu và châu Á, đã lên tiếng cảnh báo tình trạng nắng nóng, khuyến cáo người dân tránh ra ngoài trời và uống đủ nước.
Tại Hy Lạp, dù thời tiết được cho là sẽ dịu hơn nhưng nhiệt độ trung bình tại các thành phố miền Trung nước này vẫn sẽ vào khoảng 41oC. Nắng nóng và gió lớn đã thiêu rụi gần 30ha rừng tại làng Kouvaras ở miền Nam Hy Lạp.
Châu Âu cũng đã ghi nhận hơn 61.000 người chết vì nắng nóng năm ngoái và con số này có thể tăng lên gần 100.000 ca tử vong mỗi năm, theo nghiên cứu mới nhất.
Trung Quốc cũng thông báo mức nhiệt cao kỷ lục vào giữa tháng 7 ở khu vực Tây Bắc nước này – nơi nhiệt độ lên tới 52,2oC ở làng Sanbao, thuộc Khu tự trị Tân Cương, cao hơn tới gần 2oC so với mức kỷ lục 50,6oC ghi nhận 6 năm trước.
Trong khi đó, chính quyền 32/47 tỉnh của Nhật Bản đã cảnh báo nguy cơ say nắng do thời tiết nắng nóng. Truyền thông Nhật Bản cho biết ít nhất 60 người đang được điều trị do say nắng.
Trong khi đó, Ấn Độ đối mặt với tình trạng mưa lớn kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua trên khắp cả nước. Tại một số khu vực ở phía Bắc Ấn Độ, lượng mưa lớn, kéo dài trong tuần trước đã gây ra tình trạng lở đất và lũ quét, cướp đi sinh mạng của hơn 20 người. Một số vùng phía Tây Bắc Ấn Độ, đặc biệt là Delhi, chứng kiến lượng mưa lớn nhất trong vòng 41 năm qua gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân.
Mưa lớn gây ngập lụt nhiều khu vực ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người và gây lũ quét, lở đất và mất điện. Chính phủ của nhiều quốc gia châu Á cảnh báo người dân chuẩn bị cho những điều tồi tệ hơn sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra bất thường đe dọa cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới. Tìm giải pháp khả thi để phòng tránh thiên tai vẫn là bài toán khó đối với nhiều quốc gia.
HN tổng hợp