Thiên nhiên nghiệt ngã, “dữ dội”, nhưng có lẽ không có dân tộc nào gắn bó với thiên nhiên một cách mật thiết như dân tộc Nhật Bản.
Cây hoa anh đào là quốc hoa. (Nguồn: Getty Images) |
Nhìn toàn bộ, địa hình Nhật Bản đã tạo nên những phong cảnh hùng vĩ: núi rừng trùng điệp, sườn đá cheo leo, khe lũng hiểm trở, hồ trong veo đầy nước của tuyết núi tan chảy xuống, thác chảy rào rào. Đất nước được điểm tô bằng nhiều loài thảo mộc đa dạng, từ á nhiệt đới đến đới á Bắc cực: tre, chuối, mộc lan, long não, thông, phong, bách, sồi…
Rừng chiếm hai phần ba diện tích, chứa đến 168 loài thảo mộc (rừng châu Phi chỉ có 85), phổ biến nhất là loài thông tuyết (sugi) biểu tượng cho gỗ Nhật Bản.
Cây và hoa đều có ý nghĩa tượng trưng. Thông, tre và mận biểu tượng tuổi thọ, sự lâu bền. Hoa cúc nở muộn và lâu tàn thường dùng để mừng thọ các cụ và cũng là biểu tượng của Hoàng gia. Tre từ xưa vốn được nhân dân tôn kính, coi là có thần ở. Tre và măng được thờ ở các đền Thần đạo. Tục truyền: khi Nữ thần Mặt trời (Amateraxu) tức giận trốn vào trong động, có vị thần nhảy múa trước cửa động, tay cầm lá cỏ tre (sasa) khiến cho Nữ thần ra khỏi động. Điệu nhảy múa ấy sau thành tiết lễ thần và là gốc của nhạc vũ kịch Nô. Trong những ngày lễ hội mùa màng, bao giờ tre cũng có mặt.
Ngày Tết, tre và thông được chôn ở cổng nhà để đón xuân và cầu an; vào Hè, người ta tết những chiếc thuyền bằng lá cỏ tre để cúng cho thần đi lại. Có khi trong thuyền để những miếng cơm nắm sushi.
Kiến trúc Nhật ngày xưa dùng tre rất nhiều, gợi cảm giác thanh đạm và tao nhã. Ngày nay ít dùng tre vì giá thành đắt. Gia đình Nhật ngày càng tiến tới ở hộ riêng, nhà và chỗ ở nhỏ đi, đất trồng cây hiếm; do đó, trồng tre giữa những nhà cao tầng là hợp nhất vì tre không đòi hỏi nhiều ánh sáng. Tre Nhật mọc ở vùng đất núi lửa và có nhiều tinh thể thạch anh nên rất cứng và bóng, dùng làm đồ mỹ nghệ thì đẹp.
Cây hoa anh đào là quốc hoa. Nó thiếu vẻ hùng vĩ của thông, cái rực rỡ của cây mận, cái duyên dáng của liễu, nó mộc mạc và bình dân. Màu hoa anh đào hồng nhạt, tách riêng từng cây cũng đã đẹp, nhưng khi một lùm cây nở rộ bên bờ sông, bờ hồ, trên đê hay bãi cỏ thì thật vui mắt ấm lòng. Anh đào nở vào khoảng 20/3 ở miền Nam. Tiết trời càng ấm lên thì hoa lần lần nở ở các miền trên, khoảng giữa tháng Năm thì nở ở miền Bắc. Anh đào nở rộ là điềm lành báo mùa lúa tốt.
Ngắm hoa anh đào là một phong tục dân gian, bắt nguồn từ thời kỳ Heian và phổ biến có thể vảo khoảng thế kỷ X. Đây là một dịp xuất hành du xuân hưởng tiết trời ấm áp; cùng bạn bè, xóm làng, ăn uống, đàn hát sau những ngày đông lạnh lẽo kéo dài. Cũng có tục lệ đi ngắm hoa nở trong đêm.
Còn có tục lệ ngắm hoa mẫu đơn vào tháng Năm, hoa iris (diên vĩ) vào tháng Sáu, hoa sen vào tháng Bảy, hoa cúc và lá thu vào tháng Mười. Hoa iris được người Nhật trân trọng, coi như sự tốt lành, mang lại những điều quý giá cho những em bé khỏe mạnh. Từ “hoa” trong ngôn ngữ Nhật Bản có nghĩa rộng, chỉ không bông hoa, mà chỉ cả lá, cỏ và cành trong một số trường hợp.
Cỏ cây hoa lá đi vào văn chương Nhật Bản từ xa xưa. Trong tuyển tập thơ cổ nhất là Manyoshu (Vạn diệp tập = Tập vạn lá), một phần ba số thơ miêu tả các loại cây và hoa để tả nội tâm. Trong bài báo viết năm 1986, nhà phê bình văn học Nhật Bản Jun Eto (1932-1999) cho là nhiều bài thơ trong tuyển tập ấy ca ngợi cái đẹp của thiên nhiên để tưởng niệm những linh hồn người chết, bắc cầu giữa cõi âm và cõi dương.
Tuyển tập lớn nhất về thơ thể Tanka bắt đầu bằng sáu tập thơ về bốn mùa, các bài miêu tả thiên nhiên được xếp theo trình tự. Thí dụ màn sương đầu xuân, rồi đến cây cối nảy lộc, hoa mận nở, hoa anh đào nở… Một bài thơ thể Haiku mà không có chữ nào nhắc đến mùa Hạ thì coi là không chỉnh; mùa thường được gợi ý một cách gián tiếp bằng một loại cây nào đó – trắng là biểu hiện mùa thu cũng như châu chấu hay ngỗng trời… Những biểu tượng các mùa được tập trung trong cuốn Saijiki (Tuế thời ký).
Tính gắn bó với thiên nhiên có sắc thái tín ngưỡng và tôn giáo trong tiềm thức dân gian. Thần đạo (Shinto), tôn giáo gốc bản địa, cho là thiên nhiên, cây cối, loài vật… đều có quỷ thần nên phải tôn thờ; người chết cũng được thờ cúng, vì người ta tin là âm hồn vẫn tồn tại trong thiên nhiên và mỗi năm vài lần trở lại dương thế, đặc biệt vào dịp lễ Obon (hoặc Bon) vào tháng Bảy.
Phong tục đi ngắm hoa anh đào (Hanami) vào mùa Xuân mới đầu cũng là một lễ hội đón hồn người chết. Thường thường hồn lẩn quất ở núi rừng, tập hợp ở một số núi thiêng như Yoshino-yama (núi Cát Dã hay Phương Dã – được UNESCO công nhận là Di sản thế giới) ở Nara, Osorezan ở Aomori…
Đến nay, dân Nhật còn giữ những lễ hội gắn với thiên nhiên, xuất phát từ sinh hoạt nông nghiệp theo mùa. Tháng Giêng, vào dịp Tết âm lịch, nông dân diễn lại quá trình trồng lúa (Ta-asobi) để lấy khước được mùa; hát múa trồng lúa (Akiu no Taueodori).
Tháng Tư có hội cấy lúa. Tháng Sáu có lễ hội khai Hạ trừ ôn dịch, bảo vệ lúa khỏi bị sâu cắn. Tháng Mười có hội lễ cơm mới. Tháng Mười một có hội lễ tiến thần điền thổ ở với ruộng đất từ tháng Giêng. Có hai hội lễ hoa dành cho trẻ em: hội hoa đào hay hội búp bê (Hina Matsuri – ngày 3/3) cho các em gái (bày búp bê cúng hoa đào), hội trẻ con trai (Tango no Sekku – ngày 5/5 (ngày búp bê tướng sĩ, gươm đao, treo cờ hình cá chép bằng vải hay giấy sặc sỡ).
Ngày lễ hội Tanabata (7/7 âm lịch) gợi lại sự tích hai ngôi sao Ngưu Lang Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia rẽ, năm chỉ gặp nhau một lần nếu trời không mưa. Hiện nay, lễ hội này ít tổ chức ở thành phố vì ít nhà có vườn tre mà tập trung ở Sendai vùng Tohoku.