Quảng NamLà linh vật truyền thống của Hội An trong dịp Tết Trung thu, Thiên Cẩu có vẻ ngoài hung dữ hơn lân và cách múa dựa theo các thế võ.
Vào dịp Tết Trung thu, trên đường phố nhiều tỉnh thành đều có những màn lúa lân sư rồng hoành tráng và đẹp mắt. Nhưng cho đến trước nửa cuối thế kỷ XX, ở Hội An chưa có múa lân hay sư tử. Người dân phố Hội chỉ quen thuộc với múa Thiên Cẩu, theo trang thông tin điện tử Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam.
“Thiên Cẩu hay chó nhà trời là linh vật truyền thống của Hội An”, anh Nguyễn Hưng (50 tuổi), nghệ nhân có hơn 30 năm kinh nghiệm làm Thiên Cẩu ở Hội An cho biết. Thiên Cẩu có mặt trong huyền tích của nhiều nước phương Đông cũng như phương Tây liên quan đến nhật thực, nguyệt thực, hiện tượng nuốt, nhả mặt trăng mang ý nghĩa báo hiệu sự tốt đẹp của mùa màng, theo cổng thông tin Địa lý và Du lịch tỉnh Quảng Nam.
Thiên Cẩu có vẻ ngoài hung dữ hơn lân với chiếc sừng to trên đỉnh đầu, cong về phía trước, giữa trán là gương trừ tà, có mang, mắt cá, mày gai, mũi to và bành. “Thiên Cẩu trông già và trầm hơn lân, hàm chúi xuống thấp giống tư thế chồm tới còn hàm lân có dáng ngước lên cao”, anh Hưng nói.
Múa Thiên Cẩu là loại hình múa dân gian có nguồn gốc lâu đời, liên quan đến ước mơ trăng tròn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của người làm nông. Múa Thiên Cẩu gắn liền với Tết Trung Thu, một thời điểm quan trọng trong lịch mùa vụ nông nghiệp, đặc biệt là mùa lúa nước. Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán ở phố cổ Hội An trước đây phát triển mạnh, múa Thiên Cẩu còn mang ý nghĩa cầu phúc, cầu tài lộc, nên được thấy cả trong Tết Nguyên đán hay những buổi lễ khai trương cửa hàng.
Theo anh Hưng, trước đây, Hội An có hơn 20 hộ làm đầu lân, Thiên Cẩu, song hiện gần như chỉ còn mình anh bám trụ với nghề. Cơ sở của anh Hưng ở tổ 8, thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà, TP Hội An, làm đầu quanh năm nhưng cao điểm vẫn là Tết Trung thu.
Quy trình làm đầu Thiên Cẩu khá tương đồng với làm đầu lân, chỉ khác ở một vài chi tiết khi lên khung để tạo những nét đặc trưng cho hai linh vật, anh Hưng cho biết.
“Hình dạng của chiếc đầu có đẹp hay không phụ thuộc vào việc làm khung”, theo anh Hưng. Những nguyên liệu để tạo nên khung một chiếc đầu Thiên Cẩu gồm vành nhôm, tre vót thành mảnh, sợi mây, băng keo. Tất cả những thanh tre sử dụng làm đầu đều phải uốn bằng tay cho cong đều, cân xứng rồi dùng băng keo hoặc sợi mây làm mối nối. Khung hoàn chỉnh phải đảm bảo độ cân xứng, các mối nối nhỏ, tinh tế, những đường lồi lõm phải rõ nét.
Bước tiếp theo là đi keo lên tất cả các thanh tre ở phần khung rồi dùng vải căng ra, dán lên toàn bộ khung. Vải được dùng là loại vải mỏng, thưa, căng phủ lên khung sẽ nhanh và đẹp hơn, giúp chiếc đầu chắc chắn, không bị rách, toạc khi múa. Sau đó người thợ mất khoảng hai tiếng để bồi giấy. Vì đầu Thiên Cẩu có độ cong nhiều nên giấy được cắt mảnh nhỏ, quét keo sữa rồi dán lần lượt từng mảnh cho đến khi phủ kín. Công đoạn tiếp theo là sơn lót để che khít viền của những mảnh giấy, đồng thời giúp lớp sơn màu lên được tươi, đẹp và bền hơn.
Khâu quan trọng nhất, đòi hỏi sự sáng tạo và gu thẩm mỹ của người chế tác để tạo nên một chiếc đầu đẹp là sơn màu và vẽ họa tiết. Thần thái của Thiên Cẩu được tập trung ở phần đầu với các màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Họa tiết lửa là hoa văn truyền thống để tạo nên vẻ sinh động, mạnh mẽ của những chiếc đầu Thiên Cẩu. Do vậy, màu sắc được sử dụng thường là màu đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, anh Hưng nói. Hàm dưới Thiên Cẩu là một miếng bìa gắn thêm những dải dây trắng làm râu.
Đến cơ sở của anh Hưng tham quan ngày 20/9, Nguyễn Đình Hoàng Khánh (29 tuổi, TP HCM) cho biết đây là lần đầu tiên anh nghe đến linh vật này. “Thiên Cẩu và lân thoạt nhìn giống nhau nhưng quan sát kỹ thì Thiên Cẩu trông hung dữ và oai vệ hơn với sừng và đôi mắt có hình dáng như đang gườm”, anh nói.
Khánh đặc biệt ấn tượng với chiếc đầu Thiên Cẩu lớn, dài khoảng 2 m, đuôi dài 15 m. Anh Hưng cho biết chiếc đầu này sẽ tham gia vào buổi lễ diễu hành ngày 28/9 (14/8 âm lịch) tại phố cổ Hội An.
Đuôi của Thiên Cẩu là một dải vải màu đỏ hoặc vàng, hai bên có tua kiểu vi rồng, đằng sau buộc một túm lá cây. So với đuôi lân chỉ khoảng 2 m, đuôi Thiên Cẩu dài đến 5 m. Vì vậy, múa Thiên Cẩu có những động tác khó và yêu cầu nghiêm ngặt hơn so với múa lân, đại diện đoàn lân sư rồng Đình Làng (Hội An) đã thành lập 14 năm cho biết.
Bài múa Thiên Cẩu có cách đánh trống, gõ chập cheng khác với lối múa lân hoặc sư tử mới du nhập sau này. Một bài múa Thiên Cẩu gồm nhiều động tác, nhiều màn trình diễn: đi, đứng, nhảy, ngủ, thức giấc, đớp trẻ trừ phong, liếm cổng trừ tà, vái lạy cầu phúc, ăn lá cây, uống nước, ăn giải thưởng, thăng thiên phun lửa, tranh tài với Hồng Hài Nhi. Cùng múa với Thiên Cẩu có ông Địa, được hóa trang bụng to, tay cầm quạt, lưng đeo cờ lệnh.
Điểm khó tạo nên sự đặc biệt của múa Thiên Cẩu ở chỗ “người múa phải hiểu được đặc tính của linh vật này, thực hiện động tác phải chuẩn theo các thế võ”, đại diện này chia sẻ. Những màn múa Thiên Cẩu trở nên sinh động hơn bởi các cử chỉ trên mặt để biểu lộ những cảm xúc khác nhau. Tùy theo từng điệu múa, khi vui vẻ chúng sẽ vẫy tai, khi hung dữ thì chúng chớp mắt, há miệng.
Múa Thiên Cẩu cần có từ vài chục đến gần trăm người tùy theo số lượng đầu và quy mô. Trung bình 4 đầu Thiên Cẩu và một con rồng bay cần 30 người bao gồm cả người múa, người hóa trang ông địa và đội trống.
Đến Hội An làm việc từ năm 2020 đến nay, Vũ Thị Quỳnh Mai (32 tuổi, Hải Phòng) đã được chiêm ngưỡng nhiều màn múa Thiên Cẩu tại khu vực phố cổ. Múa Thiên Cẩu được người dân Hội An yêu thích. Mỗi lần có đoàn múa, “không chỉ trẻ em mà người lớn cũng thích thú đứng xem. Nhiều người đi xe máy cũng tìm chỗ dừng lại”, cô nói. Mai nhận xét không khí trung thu tại Hội An tuy không quá náo nhiệt nhưng lại giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống.
Từng là thương cảng quốc tế, Tết Trung thu tại Hội An có sự giao thoa giữa văn hóa truyền thống bản địa với văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản, tạo thành bản sắc riêng biệt. Trong đó, múa Thiên Cẩu là loại hình nghệ thuật lâu đời vẫn còn được lưu giữ đến hiện tại và đã trở thành nét văn hóa đặc trưng làm nên linh hồn của tết Trung thu ở Hội An, theo trang thông tin điện tử Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam.
Tháng 2 năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Vào ngày 26 – 30/9 (12 – 16/8 âm lịch) tại phố cổ Hội An diễn ra Hội Tết Trung thu Quý Mão – Hội An 2023. Đặc biệt vào ngày 28/9 (ngày 14/8 âm lịch), tại công viên Hội An diễn ra lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thứ 7, Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An.
Du khách có thể mua đầu lân, đầu Thiên Cẩu Hội An với đa dạng kích thước và mức giá. Trung bình, giá bán đầu nhỏ dao động 70.000 – 100.000 đồng một chiếc, đầu trung khoảng 250.000 – 400.000 đồng và loại lớn khoảng 5 – 6,5 triệu đồng. Một chiếc mặt nạ ông địa có giá khoảng 50.000 – 70.000 đồng.
Xuất hiện từ trước thế kỷ XX và được lưu giữ đến ngày nay, múa Thiên Cẩu không chỉ là nghệ thuật trình diễn dân gian đặc trưng của Hội An trong Tết Trung thu mà còn là một phần ký ức tuổi thơ của người dân phố Hội.
Quỳnh Mai