Thời gian gần đây, với sự ra đời của sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT đã tạo nên làn sóng lớn, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có ngành giáo dục. Vậy làm thế nào để tận dụng những lợi thế mà “siêu trí tuệ nhân tạo” mang lại trong hỗ trợ giảng dạy, tra cứu thông tin, đồng thời hạn chế những rủi ro?
Ban giám hiệu, giáo viên Trường THCS Nam Ngạn thường xuyên định hướng, nhắc nhở học sinh về sử dụng mạng xã hội, công nghệ AI đúng cách.
Nhằm sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực, mặt trái của công nghệ mạng lại… là những nội dung đã được thảo luận tại buổi tọa đàm “Chat GPT, Trí tuệ nhân tạo – Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng để có thể khai thác những mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của AI, cần tạo hành lang chính sách, pháp lý để sử dụng công nghệ AI hay ChatGPT vào thực tiễn đời sống; xây dựng hạ tầng số đồng bộ; phát triển đầy đủ cơ sở dữ liệu ngành; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên để thích ứng tốt hơn với công nghệ trí tuệ nhân tạo và cuộc đổi mới sáng tạo trong công nghệ…
ChatGPT ra mắt cuối tháng 11-2022 với tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) phát triển. ChatGPT có thể được hiểu đơn giản là một sản phẩm AI. Điểm đặc biệt của AI nằm ở “kho” kiến thức mà ChatGPT đã học được và thu hút chú ý khi có thể đưa ra câu trả lời theo ngữ cảnh cho đa dạng chủ đề. AI này hoạt động dựa trên mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP (Natural Language Processing), được huấn luyện với nguồn dữ liệu lớn trên Internet để trả lời câu hỏi của người dùng.
Đối với ngành giáo dục, “trí thông minh” ChatGPT có khả năng tóm tắt tài liệu, nghiên cứu chuyên sâu, tìm kiếm thông tin chỉ trong “chớp mắt”, thậm chí soạn bài, giải đáp thắc mắc, nhận xét kết quả học tập của học sinh, viết luận văn, giải bài tập, viết văn, làm thơ… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để sử dụng ưu thế của ChatGPT trong quá trình giảng dạy của giáo viên và tra cứu thông tin của học sinh hiệu quả?
Thầy Lê Cao Ban, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), cho biết: Nắm bắt tâm lý thích sử dụng công nghệ và khả năng nắm bắt nhanh, khả năng tiếp cận công nghệ mới của học sinh, nhà trường đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề với học sinh về việc sử dụng mạng xã hội đúng cách. Đồng thời, ban giám hiệu nhà trường cũng đã có những chia sẻ với giáo viên, để giáo viên định hướng học sinh, khuyến cáo tới phụ huynh cùng phối hợp để quản lý học sinh sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là ChatGPT một cách hiệu quả, tránh lạm dụng, tạo nên tâm lý thụ động, lười tư duy, lệ thuộc vào AI.
Thực tế, các nhà nghiên cứu và chính OpenAI – công ty sáng lập ra ChatGPT cũng thừa nhận rằng ChatGPT có thể cung cấp cho người học những thông tin xấu, độc hại, thậm chí trang bị các kiến thức sai lệch, điều này có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho ngành giáo dục. Điều này càng cho thấy ChatGPT giúp giáo viên nhận ra vai trò của mình là người dẫn dắt chứ không đơn thuần chỉ là người truyền đạt kiến thức. Mỗi giáo viên không chỉ thích ứng mà còn phải đón đầu xu thế để phát huy những lợi thế của công nghệ, dẫn dắt để học sinh sử dụng công cụ AI đúng cách, dẫn dắt để học sinh không bị mất đi kỹ năng học tập, tư duy…
Chia sẻ về những định hướng của nhà trường đối với học sinh, thầy Nguyễn Tài Quyển, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 5, cho biết: ChatGPT mặc dù chưa phổ biến trong nhà trường, tuy nhiên nhà trường vẫn khuyến cáo tới học sinh rằng ChatGPT chỉ nên trở thành kênh để tìm hiểu kiến thức, chứ không nên lạm dụng, nhất là không được lạm dụng trong việc giải quyết bài tập về nhà và trong thi cử nếu không sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Không thể phủ nhận việc công nghệ AI nói chung, ChatGPT nói riêng đã đưa ngành giáo dục bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số hóa nền giáo dục và nâng cao tính cá nhân hóa của người học, giúp người học tự học, góp phần nâng cao năng lực số của cả người dạy và người học. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ChatGPT cũng mang đến nỗi lo về gian lận trong thi cử, trong thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh, sinh viên.
Thầy Nguyễn Xuân Tài, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiến Thành, cho biết: Với tổng số trên 1.000 học sinh thì những lợi ích cũng như hệ lụy của việc sử dụng công nghệ AI, ChatGPT mang lại đối với nhà trường là rất lớn. Do đó, trước mắt nhà trường đang tiến hành tìm hiểu để có thông tin phổ biến tới giáo viên trước tiên. Sau đó, giáo viên sẽ là người định hướng học sinh sử dụng như một công cụ bổ trợ cho quá trình học tập, tránh trường hợp học sinh lười học, lười tư duy.
Tuy nhiên, thầy Nguyễn Xuân Tài cũng nhận định, ChatGPT phù hợp hơn đối với những học sinh có ý thức tự học và đối tượng những người đã đi làm và sinh viên đại học muốn tự học hoặc bổ trợ thêm kiến thức. Còn vai trò của học sinh là phải học tập, ghi nhớ, tư duy, vận dụng… để có kiến thức nền tảng phục vụ cho thi cử và nâng cao, phát triển bản thân.
Mặc dù mới trong giai đoạn dùng thử và chưa thực sự thuận tiện trong việc đăng ký tài khoản ChatGPT, tuy nhiên, thực tế đang đặt ra cho ngành giáo dục những thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải sớm có giải pháp đón đầu những lợi ích và khắc phục những tồn tại mà ChatGPT mang lại, bởi việc sử dụng cộng cụ AI, ChatGPT… là điều tất yếu trong kỷ nguyên số.
Bài và ảnh: Linh Hương