Sáng 23/8, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Thị trường tín chỉ carbon – đường đến Net Zero” với sự thông tin, trao đổi của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường.
Thông tin tại Tọa đàm cho biết, tại Hội nghị COP 26, Việt Nam lần đầu tiên cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Mục tiêu này cũng đã được đưa vào Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, theo Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Khách mời tọa đàm là các đại biểu Quốc hội và nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp lĩnh vực môi trường. |
Cùng với biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường hấp thụ khí nhà kính thì thị trường carbon là một trong những công cụ hữu hiệu để đạt mục tiêu Net Zero. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 7/2024, đã có 48 quốc gia trên thế giới triển khai thị trường carbon theo cơ chế bắt buộc. Bên cạnh đó, có thị trường carbon tự nguyện do các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế thành lập. Dù chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn cầu về trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon xuyên biên giới, nhưng đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ký thoả thuận về trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon.
Tại Việt Nam, có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế để trao đổi trên thị trường carbon thế giới.
Theo lộ trình của Chính phủ, năm 2025 sẽ thí điểm thị trường carbon trong nước và vận hành chính thức từ năm 2028. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon, nhằm phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới Net Zero vào năm 2050.
Các khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông |
Tại tọa đàm, các đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng thảo luận làm rõ về tầm quan trọng của thị trường carbon; tiềm năng, cơ hội của Việt Nam khi tham gia thị trường này cùng những khó khăn, thách thức; đề xuất các giải pháp để bảo đảm việc vận hành thị trường theo kế hoạch, đạt hiệu quả. Đây sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến vận hành thị trường carbon trong thời gian tới./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thi-truong-tin-chi-carbon-duong-den-net-zero-675791.html